Tại "Hội thảo Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công" được tổ chức sáng 18/5, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, Luật đang được đề xuất đưa rất nhiều ưu đãi thuế mà theo ông, "có lẽ chỉ thua các thiên đường thuế".
Thay vào đó, cần phải tạo dựng những chính sách phi thuế, bởi ưu đãi về thuế chỉ đứng thứ sáu, thứ bảy trong quyết định của nhà đầu tư. Yếu tố tiên quyết là cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, vị này nhấn mạnh.
Tương tự, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nêu ra nhiều cảnh báo về các rủi ro từ ưu đãi thuế với mô hình đặc khu. Ông Eckard cho biết, việc quá nhiều ưu đãi có thể dẫn tới bị lạm dụng. Ngoài ra, giữa các đặc khu còn có thể xảy ra cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế hoặc cạnh tranh không lành mạnh để cắt giảm các khuôn khổ pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng không mong muốn đến môi trường kinh doanh, hạn chế chuẩn mực lao động.
Đánh giá về thể chế, pháp luật của Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng "đang thuộc hàng phức tạp nhất thế giới". Ông đề xuất, Luật đặc khu phải thể hiện sự phân quyền đầy đủ để đi vào cuộc sống. Ví dụ, không cần thông qua Nghị định, Thông tư để hạn chế những văn bản mang tính hành chính.
“Nếu xong Luật này còn chờ bao nhiêu văn bản khác nữa thì không thể làm được. Hơn nữa, Luật có tốt đến mấy thì vẫn đòi hỏi bộ máy thực thi cũng phải tốt. Do đó, phải có cơ chế tuyển chọn, sử dụng công chức thực tài. Cán bộ mà yếu thì những ý tưởng tốt đẹp cũng khó đi vào cuộc sống”, ông Liên thẳng thắn.
Riêng với casino – một trong những lĩnh vực được ưu tiên phát triển tại đặc khu, GS Hà Tôn Vinh cho biết, Ma Cau cũng không quan trọng ưu đãi thuế. Thuế suất casino ở Macau tới 39%, nhưng nhà đầu tư vẫn đến.
Theo ông, nhà đầu tư cần cơ chế chính sách. Trưởng đặc khu lẽ ra phải có quyền cao nhất lại như một chuyên viên cao cấp, phải đi báo cáo, xin ý kiến rồi một thời gian dài mới xử lý xong thủ tục thì không nhà đầu tư nào muốn đến. "Ở các nước, đặc khu là nơi nhà nước kiếm tiền, không phải để miễn, giảm thuế", ông nói.
Ông Teo Eng Cheong – Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore cũng cho biết nhiều đặc khu đã thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.
Theo ông Cheong, muốn thành công cần sự đột phá. Chuyên gia này lấy một ví dụ về đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hoá nhập khẩu vào đặc khu kinh tế ở sân bay của Singapore, một trong những nơi được gọi là Công viên Logistics - (ALPS). 90% thủ tục hải quan của hàng hóa đến đây phải giải quyết trong vòng 10 phút. 10% không được thực hiện trong thời gian này phải chuyển lên cấp cao hơn.
“Nếu các bạn có thể làm được những đột phá như thế này thì có thể thành công trong việc xây dựng mô hình đặc khu”, vị này nói.
Chia sẻ với các chuyên gia, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc xây dựng Luật cần thận trọng, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng không nên quá cầu toàn, đặc biệt khi thế giới liên tục thay đổi.
Ông cho biết, mô hình đặc khu kinh tế đã phát triển lâu dài trên thế giới. Ông Dũng cũng cho rằng, việc phát triển đặc khu có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố và vấn đề khác nhau.
"Chúng ta cũng rút kinh nghiệm những khu không thành công trên thế giới nhưng cũng phải tận dụng cơ hội. Khi có vấn đề mới chúng ta có thể sửa chữa. Ngay cả như Hàn Quốc, trong 10 năm đã sửa Luật đến 6 lần. Vấn đề quan trọng hơn là thực thi, triển khai thực hiện”, ông Dũng nói.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (CIEM) thì đề cập tới những khó khăn khi xây dựng đặc khu trên thế giới với kỳ vọng nhiều nhưng thành công không cao. "Việt Nam cũng mới làm mấy khu công nghiệp, khu kinh tế nhưng cũng vật vã lắm rồi. Chính vì thế, đòi hỏi những đột phá về chính sách, thể chế là điều tiên quyết", ông nói.
Nguyễn Hà