Thời hạn sử dụng đất nâng từ 50 lên 70 năm, thậm chí lên tới 99 năm với những dự án đặc biệt... là một trong số ưu đãi về đất đai được nêu ra tại dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sắp được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5.
Ngoài ra, 3 đặc khu cũng được một loạt ưu đãi khác về thuế như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, tiền thu đất - mặt nước... Dự thảo cũng giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rút ngắn một nửa còn 5-10 ngày.
Bình luận về những ưu đãi này, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dự luật đã đưa ra những nội dung đột phá, cơ chế đặc biệt để phát triển mà trước đây "chưa hình dung được". Theo ông, nếu không làm mà cứ sợ sẽ "chẳng bao giờ có luật".
"Những ưu đãi này có tính cạnh tranh và chúng ta phải luôn luôn thay đổi để tạo ra sự cạnh tranh cao hơn. Khi đó mới hút được các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới vào đầu tư”, ông nói.
Tuy nhiên, điều nhà đầu tư cần khi tới đặc khu kinh tế không chỉ dừng ở một loạt ưu đãi thuế mà còn là môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, nhất là thể chế thực thi chuyên nghiệp, minh bạch.
Đây cũng là mong muốn của những nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc như ông Kim Dong Hwi. Ông Kim chia sẻ, thu hút đầu tư của Việt Nam lâu nay dựa nhiều vào ưu đãi, nhưng giờ chính sách này không còn là nhân tố quyết định với nhà đầu tư nước ngoài. "Môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách cởi mở mới là những điều kiện đủ để nhà đầu tư lựa chọn và ở lại", ông Kim nói.
Tương tự, một nhà đầu tư tên Phong đến từ Hà Nội đang tìm hiểu Phú Quốc cũng kỳ vọng thủ tục cấp phép sẽ vượt trội hơn hẳn các địa phương khác. Anh Phong cho biết vẫn chưa quyết định "xuống tiền" đầu tư ở Phú Quốc, một phần cũng vì lo ngại các điểm nghẽn về thủ tục đầu tư không được tháo gỡ.
Do đó, chia sẻ với VnExpress, các chuyên gia cho rằng, để mô hình đặc khu kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc thành công, cần thêm nhiều điều kiện khác chứ không đơn thuần là "trải thảm" một loạt ưu đãi.
Nêu ra những điểm đặc khu cần có, một chuyên gia về chính sách công bình luận, đặc khu nên bỏ bớt giấy phép, tòa án rút ngắn xử lý tranh chấp tính theo tuần, ngày chứ không phải theo tháng, năm. Vượt trội hơn nữa, nên để tư nhân tham gia vào quản trị tại đặc khu.
Đồng tình, Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét, dự luật hiện vẫn khá ôm đồm chưa rõ “đặc khu sẽ là nơi thí điểm thể chế hay kiếm tiền”.
“Mức độ tự do hóa trong lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ gắn với trung chuyển nguồn lực. Ngoài ra, thể chế cần chuyên nghiệp, minh bạch và có "quyền" trong tay để xử lý tranh chấp nhanh nhất, thuận lợi nhất là hai điều kiện tiên quyết. Ưu đãi về tài chính, thuế … chỉ là thứ yếu”, ông Thành nói.
Cho rằng Việt Nam cần thiết phải có những đặc khu kinh tế, song Tiến sĩ Đinh Thanh Hương, Giám đốc đào tạo AVSE Global đánh giá, đặc khu kinh tế của Việt Nam cần được xây dựng như "cụm năng lực cạnh tranh", từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của cả quốc gia, tạo liên kết kinh tế vùng, miền.
"Đặc khu phải là nơi khởi xướng những sáng tạo, hình thức mới về tri thức, về thể chế để từ đó nhân rộng ra các khu vực khác trên phạm vi cả quốc gia", bà Hương gợi ý.
Anh Minh