Nhờ gói kích thích tài khóa khổng lồ, với các biện pháp từ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ đến trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD mỗi tuần, kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh hơn dự báo của nhiều nhà kinh tế học. Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ này có thể sẽ gặp thách thức nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng, thiếu hỗ trợ bổ sung từ chính phủ và đại dịch vẫn lan rộng.
Số liệu mới nhất cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tiếp tục ở mức trên 800.000 mỗi tuần. Khả năng Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận về gói kích thích thứ hai ngày càng giảm. Bên cạnh đó, vốn cho chương trình trợ cấp thất nghiệp tạm thời do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đầu tháng 8 cũng sắp cạn kiệt.
Đà phục hồi hiện tại "rất mong manh và nếu không có thêm biện pháp kích thích, việc phục hồi sẽ đối mặt với rủi ro tiêu cực", Gregory Daco - kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết, "Một khi không còn bất kỳ khoản trợ cấp thất nghiệp nào, thu nhập của các hộ gia đình chắc chắn sẽ chịu sức ép, từ đó kìm hãm tiêu dùng".
Matthew Luzzetti - kinh tế trưởng tại Deutsche Bank nhận định tiêu dùng có thể giảm trong tháng tới nếu không có hỗ trợ của Quốc hội. Aneta Markowska - kinh tế trưởng tại Jefferies thì dự báo tác động sẽ thấy rõ trong tháng 10. Số liệu kinh tế có khả năng đi xuống trước bầu cử nếu không có thêm gói kích thích mới.
Báo cáo việc làm tháng 8 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn dự báo, dù vẫn ở mức cao là 8,4%. Số liệu này có thể đã xoa dịu sức ép lên Quốc hội Mỹ về việc đàm phán gói kích thích kế tiếp. Báo cáo việc làm tháng 9 sẽ công bố ngày 2/10. Đây là báo cáo cuối cùng trước bầu cử Tổng thống Mỹ.
Markowska cho rằng chi tiêu của các hộ gia đình có thể chưa chịu ảnh hưởng cho đến tháng sau, một phần nhờ quỹ Hỗ trợ Thu nhập Bị Giảm sút. Chương trình này được Tổng thống Trump tạo ra đầu tháng 8, sau khi Quốc hội Mỹ không thể gia hạn khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD một tuần cho hàng triệu lao động Mỹ. Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ bổ sung cho người thất nghiệp 300 USD một tuần trong 6 tuần cho các bang.
Tuy nhiên, các rào cản về logistics đã khiến quỹ này được phân phối không đều. Nhiều bang vẫn chưa thanh toán được tiền trợ cấp. Khi các bang phân phát khoản này, thu nhập có thể được củng cố phần nào trong tháng 9.
Thị trường việc làm Mỹ - và cả nền kinh tế nói chung - đang hồi phục. Hàng triệu người Mỹ đã quay lại làm việc. Tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện so với số lao động đã về gần mức tiền đại dịch.
Dù vậy, tác động lan truyền của cuộc suy thoái mạnh nhất hơn 70 năm qua cũng bắt đầu hiện rõ. Số doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn ngày càng nhiều, được dự báo khiến nền kinh tế mất hàng triệu việc làm so với thời tiền đại dịch. Chỉ mới vài tuần gần đây, hàng loạt công ty đã thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự.
"Chúng ta không nên đánh giá thấp tác động của kích thích tài khóa với đà phục hồi hình chữ V mà chúng ta đang có được", Luzzetti nói, "Chúng ta đã phục hồi khá dễ dàng khi mở cửa trở lại, nhưng giờ đây, mọi thứ đang ngày càng khó khăn hơn".
Trên quy mô toàn cầu, Mỹ vẫn kém nhiều nước về mức độ hoạt động thường ngày, Bloomberg Economics cho biết. Trong khi đó, đại dịch và cách phản ứng của chính quyền địa phương càng khiến thách thức kinh tế hiện tại thêm trầm trọng.
Dù vậy, quý III vẫn có thể là quý tăng trưởng mạnh kỷ lục của Mỹ. Các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs Group vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP quý III của Mỹ, lên 35%, chủ yếu nhờ chi tiêu ổn định của các hộ gia đình. Tuy nhiên, đây chỉ là mức tăng trong ngắn hạn. Nếu nhu cầu đi xuống trong quý cuối, triển vọng cả năm nay cũng sẽ kém sáng sủa theo.
Hà Thu (theo Bloomberg)