Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra cảnh báo rằng, việc trẻ em bị gián đoạn đến trường vì Covid-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn trung bình 1,5% trong phần còn lại của thế kỷ. Đơn cử tại Mỹ, tổng thiệt hại sẽ tương đương với 15.300 tỷ USD.
Trích dẫn dữ liệu từ bên thứ ba, nghiên cứu của OECD ước tính mức độ mất mát diễn ra trong một phần ba năm học sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu như thế nào. Dự đoán này giả định rằng, các học sinh, sinh viên tại Mỹ sẽ bị "mất mát kỹ năng do Covid-19 gây ra" là một phần mười độ lệch chuẩn và trên cơ sở là tất cả các nhóm sẽ quay về mức trước đây.
Về cơ bản, các chuyên gia ước tính rằng, mất mát thời gian học sẽ dẫn đến mất kỹ năng và điều này tác động tiêu cực đến năng suất. Kết quả, tổng chi phí cho việc nghỉ học có thể lên tới 69% GDP hiện tại đối với quốc gia điển hình. Dự đoán này cũng giả định rằng, chỉ có nhóm sinh viên hiện tại bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa và các sinh viên tương lai sẽ tiếp tục đi học bình thường.
OECD cho biết, thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế có thể "cao hơn một cách tương ứng" nếu các trường học chậm trở lại "với mức hoạt động trước đây".
Trong nhiều tháng, phần lớn trẻ em trên khắp thế giới được học tại nhà, với nhiều trường học chỉ mở cửa cho con em của những lao động chủ chốt. Tuy nhiên, có lo ngại rằng việc học tại nhà này sẽ làm trầm trọng thêm những khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục.
Tại Mỹ, từ tuần này, học sinh lớp K đến lớp 12 ở một số nơi đã bắt đầu quay lại trường với việc kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ giãn cách và áp dụng các quy tắc mới. Một số trường phân luồng di chuyển bên trong, lắp các biển báo nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách và từ chối cho phụ huynh vào.
Nhiều trường cung cấp cho học sinh tùy chọn học từ xa hoặc trực tiếp, hoặc kết hợp cả hai. Nhưng một số nơi được xem là điểm nóng của dịch như Chicago và Houston chỉ mới bắt đầu khai giảng trực tuyến.
Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos đã thúc giục các trường học mở cửa như một lựa chọn cho các gia đình có nhu cầu. Một số phụ huynh nói rằng, họ làm việc toàn thời gian và không thể tiếp tục hỗ trợ con học ở nhà. Số khác chỉ trích việc học từ xa là một phương pháp mang lại kết quả tệ hại.
Trước đó, khi Mỹ bắt đầu triển khai hình thức học trực tuyến, hàng loạt rắc rối đã xảy ra. Một số học sinh phản ánh không thể kết nối mạng khi đường truyền kém hoặc thiếu máy tính. Cuối tháng trước, hàng chục nghìn học sinh ở các quận khác nhau phải đối mặt với viễn cảnh bắt đầu năm học mà không có máy tính để học từ xa vì gián đoạn chuỗi cung ứng khiến máy móc đến chậm.
Tại New York, liên đoàn giáo viên đe dọa đình công vì lo ngại về an toàn khi dạy trực tiếp. Sau đó, theo thỏa thuận, học kì mới sẽ bắt đầu từ xa vào ngày 16/9. Học sinh sẽ bắt đầu học trực tiếp và duy trì trực tuyến vào ngày 21/9.
Phiên An (theo CNBC, WSJ)