Trả lời:
HPV (Human Papilloma Virus) là một loại virus gây u nhú ở người. Không có khuyến cáo tầm soát HPV trước khi tiêm vaccine phòng HPV. HPV có ít nhất 9 chủng và không có khả năng một người nhiễm hết tất cả các chủng này. Do vậy, nếu một người đã nhiễm một chủng HPV thì vẫn nên tiêm ngừa những chủng còn lại.
Sau khi nhiễm HPV, cơ thể cần thời gian dài để thải loại virus. Trong trường hợp chưa được thải trừ hết ra khỏi cơ thể, HPV sẽ tồn tại trong đường niêm mạc của tế bào sinh dục. Nếu cư trú trong cổ tử cung, virus có thể tồn tại và tăng sinh ở đó, làm thay đổi cấu trúc tế bào và có khả năng dẫn đến ung thư.
Mặt khác, dù chúng ta đã nhiễm HPV thì trong cuộc đời, việc quan hệ tình dục sẽ diễn ra rất nhiều lần sau đó. Việc tiêm phòng không có tác dụng cho những lần quan hệ trước đó nhưng sẽ phòng bệnh cho những lần sau. Do đó, không nên nghĩ rằng đã quan hệ tình dục và có nguy cơ nhiễm HPV rồi thì không cần tiêm ngừa nữa, bởi tiêm vaccine là để phòng những chủng mà chúng ta chưa mắc.
Vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho trẻ em từ lúc 9 tuổi, do việc tiêm phòng trước khi có quan hệ tình dục là tốt nhất và có khả năng sinh miễn dịch tốt nhất. Một nghiên cứu ở Bắc Mỹ cho thấy, 45% bé gái 15-16 tuổi đã có HPV trong âm đạo dù chưa quan hệ tình dục.
Ngoài quan hệ tình dục, có những con đường lây truyền HPV khác. Nghiên cứu cho thấy, ở những người quan hệ tình dục lần đầu, có 20% trường hợp nhiễm HPV sau 4 tháng, 45% trường hợp phát hiện HPV sau 26 tháng. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, 50% bé trai có quan hệ tình dục trước 25 tuổi. Do vậy, đợi đến khi quan hệ tình dục mới tiêm vaccine phòng HPV sẽ bị muộn.
Vaccine HPV đã được sử dụng trong thời gian dài và tính an toàn, hiệu quả cũng đã được chứng minh, do đó bạn nên an tâm khi sử dụng.
BS.CKI Bạch Thị Chính
Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC