Các binh sĩ Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47, đơn vị mang biệt danh "nắm đấm thép" của quân đội Ukraine, tháng trước thừa nhận xe tăng M1A1SA Abrams do Mỹ viện trợ không phù hợp với điều kiện tác chiến ở nước này, có nhiều nhược điểm như vỏ giáp không đối phó được thiết bị bay không người lái (drone), động cơ hay trục trặc, mạch điện tử dễ chập cháy do độ ẩm cao vì mưa hoặc sương mù.
"Tôi có thể dùng một từ để nói về những lời than phiền trên, đó là 'nhảm nhí'. Những chiếc xe tăng đó được phát triển để chiến đấu trong môi trường tác chiến của NATO", tướng về hưu Mark Hertling, cựu tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu, nói trong cuộc phỏng vấn hôm 4/6.
Tướng Hertling từng phụ trách các đơn vị xe tăng Abrams của lục quân Mỹ và làm nhiệm vụ tại châu Âu trong gần 30 năm trước khi nghỉ hưu, khẳng định ông chưa từng gặp những vấn đề được các kíp xe tăng Ukraine mô tả trong quá trình này.
"Họ thất vọng vì những chiếc xe tăng hỏng hóc. Cần nhắc mọi người rằng đây không phải mẫu xe tăng tốt nhất để viện trợ Ukraine, vì quá trình bảo dưỡng đi kèm nhiều thách thức và cần đội ngũ thợ máy lành nghề nhằm giải quyết một số vấn đề. Tuy nhiên, những lời than phiền như hơi nước ngưng tụ làm hỏng thiết bị hay vỏ giáp không chặn được vũ khí Nga là điều phóng đại", ông nói.
Hertling cũng chỉ trích các kíp xe tăng Abrams Ukraine chọn sai loại đạn pháo và không bảo dưỡng khí tài đúng cách, khiến họ không thể bắn phá mục tiêu được giao.
"Những binh sĩ bất mãn vì xe tăng hỏng sẽ tìm mọi lý do để chê bai vũ khí và khẳng định nó không phù hợp. Tuy nhiên, phải nhớ rằng Ukraine liên tục yêu cầu cung cấp xe tăng Abrams dù biết rõ chúng đòi hỏi tiêu chuẩn bảo dưỡng rất cao để duy trì khả năng vận hành", ông nói thêm.
Tướng Geoffrey Norman, giám đốc Nhóm phát triển phương tiện chiến đấu thế hệ tiếp theo của lục quân Mỹ, thừa nhận xe tăng Abrams còn nhiều hạn chế khi đối mặt với những mối đe dọa mới xuất hiện trên chiến trường.
Ông khẳng định Abrams có khả năng chống chịu tốt với hỏa lực trực xạ từ xe tăng và thiết giáp đối phương, nhưng không được thiết kế để đối phó các đòn tập kích đột nóc bằng tên lửa dẫn đường và drone tự sát.
"Xe tăng Abrams đạt hiệu quả cao nhất khi triển khai trong những chiến dịch tiến công hoặc có thể di chuyển thường xuyên. Nó là khí tài có khả năng cơ động cao và hỏa lực mạnh, chuyên bảo vệ các đội hình chiến đấu, nhưng rất dễ tổn thương khi đứng yên một chỗ", tướng Norman cho hay.
Mỹ viện trợ cho Ukraine tổng cộng 31 xe tăng Abrams, tất cả đều được biên chế cho Lữ đoàn 47. Kiev từng tuyên bố mẫu xe tăng có giá 10 triệu USD của Washington sẽ là vũ khí quan trọng để giúp họ chọc thủng phòng tuyến đối phương.
Tuy nhiên, ít nhất 8 chiếc Abrams đã bị phá hủy hoặc rơi vào tay quân đội Nga kể từ khi triển khai cuối tháng 2. Quan chức Lầu Năm Góc hồi tháng 4 nói rằng mối đe dọa từ drone Nga buộc quân đội Ukraine rút xe tăng Abrams khỏi tiền tuyến, nhưng Lữ đoàn 47 sau đó bác bỏ thông tin.
Thiệt hại nặng với lực lượng Abrams ít ỏi, dù không tham gia các chiến dịch đột kích hiệp đồng như học thuyết quân sự của NATO, buộc quân đội Ukraine giữ chúng ở hậu tuyến, cung cấp hỏa lực yểm trợ cho bộ binh trong các chiến dịch phòng thủ hoặc phản công, thay vì dùng làm mũi xung kích như thiết kế.
Vũ Anh (Theo CNN)