Tôi, lúc đó học lớp 5, không hiểu nổi vì sao một con cừu sinh ra (dù bằng cách nào đi nữa) lại khiến con người phải lo ngại: đây sẽ là chuyện tốt hay xấu cho nhân loại. Cuối cùng, bác tôi (bác sĩ Viện 108) chốt lại: "Nhân bản vô tính giống như một phương trình có nhiều nghiệm. Tốt hay xấu phụ thuộc vào mục đích của con người".
Hai hôm trước, "cha đẻ" của Dolly, chính xác là người đứng đầu công trình nghiên cứu nhân bản vô tính con cừu này - nhà khoa học Ian Wilmut, qua đời. Hai sự kiện cách xa nhau 26 năm, vẫn gây chú ý đặc biệt cho giới nghiên cứu.
Sự ra đời của cừu Dolly là một trong ba sự kiện lớn nhất của thế giới năm 1997 (bên cạnh cái chết của Công nương Diana và việc trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc). Báo chí mô tả đây là tin "chấn động" (shock), gọi Dolly là "một bước đi quá xa của khoa học" và hoảng hốt cảnh báo "nhân bản người vô tính đang cận kề".
Tranh cãi bùng nổ dữ dội vì xét ở nhiều khía cạnh như đạo đức, tôn giáo, xã hội, y đức... cừu Dolly không nên có mặt trên đời này. Công chúng và cả giới khoa học chia phe đánh giá, phán xét và áp đặt suy nghĩ cá nhân lên một trong những đột phá lớn của nghiên cứu y khoa thế giới thế kỷ trước. Trong khi giá trị thực tiễn mà nhóm nghiên cứu của Ian Wilmut muốn "show all" là tham vọng điều trị nhiều căn bệnh tuổi già bằng cách cho phép cơ thể tái tạo các mô bị tổn thương. Công trình của nhóm nghiên cứu đặt nền móng và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc - một phần quan trọng của y học tái tạo ngày nay.
Lúc bấy giờ, trước các cuộc tấn công dữ dội, Keith Campbell - đồng sự của Wilmut - người thậm chí được đánh giá mới là cha đẻ thực sự của Dolly, đã kiên định: Không bao giờ được phép nhân bản con người. Ông cho rằng viễn cảnh tưởng tượng này là "một sự xúc phạm", bởi cả nguy cơ dị tật và thực tế rằng một bản sao không bao giờ được chấp nhận như một con người thực.
Các nhà khoa học đến nay đã nhân bản vô tính được chuột, dê, heo, bò, thỏ... dù chi phí vẫn rất lớn và động vật được nhân bản vẫn có tỉ lệ chết non cao hoặc bị bệnh tật, dị dạng nhiều... Năm 2012, Giải Nobel Y học được trao cho nhà khoa học Nhật Shinya Yamanaka và John B. Gurdon (người Anh) với công trình tái lập trình tế bào trưởng thành thành các tế bào gốc đa năng. Nhà sinh vật học tế bào gốc Shinya Yamanaka chia sẻ việc nhân bản của Dolly chính là nguồn cảm hứng thúc đẩy ông bắt đầu phát triển các tế bào gốc có nguồn gốc từ tế bào trưởng thành.
Các công trình nghiên cứu về nhân bản vô tính, tế bào gốc đã được thúc đẩy trong khoa học cơ bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dẫu vậy, những thành tựu y học tái tạo ứng dụng vào chữa trị tới nay vẫn đứng trước nhiều giới hạn.
Ian Wilmut khi về già được chẩn đoán mắc Parkinson - căn bệnh từng được kỳ vọng sẽ có phương pháp chữa trị nhờ những thành tựu khoa học bắt đầu từ cừu nhân bản Dolly. Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai sau Alzheimer và ảnh hưởng đến hơn 8,5 triệu người trên toàn thế giới.
Wilmut đã không kịp hưởng những thành tựu y học giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc căn bệnh gây ra những cử động không thể kiểm soát.
Trong cáo phó, Viện Roslin ở Edinburgh - nơi Wilmut làm việc hàng chục năm qua, cho biết, ông qua đời vì những biến chứng của bệnh Parkinson.
Trong khoa học nói chung, y học nói riêng, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tế là một quãng đường dài gian nan. Nhưng nếu không can đảm nghiên cứu chuyên sâu, nếu không dám dấn thân vào những "vùng đất mới", thì làm sao khám phá được hết sức mạnh của loài người, làm sao tạo ra những kỳ tích khoa học.
Mai Đức Dũng