![]() |
Sinh sản đơn tính là "lừa" tế bào trứng để nó tự phân chia, mà không cần có tinh trùng. |
Khác với những công trình nhân bản trên thế giới có mục đích tạo ra một đứa bé hoàn chỉnh, vị giáo sư của Viện Roslin, Edinburgh (Scotland), muốn có được nguồn tế bào gốc từ những phôi nhân bản, phục vụ chữa trị những căn bệnh có liên quan đến thoái hóa gene như Parkinson...
Từ 4/12/2001, việc nhân bản người (đưa phôi người nhân bản vào tử cung) đã bị cấm trên toàn xứ sở sương mù. Tuy nhiên, trong lệnh cấm này, chính phủ Anh vẫn mở rộng đường cho công nghệ nhân bản phôi phục vụ chữa bệnh, nhất là trị liệu những bệnh nan y như ung thư, Parkinson…, và chỉ một số nhà khoa học có giấy phép mới được tiến hành.
Nay, giáo sư Wilmut muốn có một giấy phép tương tự để thực hiện việc "sinh sản đơn tính", nghĩa là tạo ra phôi mà không cần có tinh trùng. Theo cách này, một quả trứng không qua thụ tinh sẽ được kích thích để phân chia và phát triển thành phôi như bất kỳ tế bào trứng có thụ tinh nào khác. Những thí nghiệm tương tự đã được thực hiện trên nhiều loài động vật, trong đó có khỉ. Còn trong tự nhiên, hiện tượng này cũng xuất hiện ở một số loài động vật bậc thấp, như kiến, ong và thằn lằn.
Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, "phôi" được tạo ra theo quy trình sinh sản đơn tính là không thể được xem là phôi thực sự, và chúng hiếm khi sống sót qua giai đoạn phát triển đầu tiên. Cho tới nay, đã có hai bác sĩ sinh sản người Italy tuyên bố cấy thành công phôi nhân bản vào những người phụ nữ, với mục đích tạo ra những em bé hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin nào xác thực cho lời tuyên bố này.
B.H. (theo BBC)