Alexander Yuk Ching Ma, 71 tuổi, người Mỹ gốc Hong Kong, thừa nhận từng cung cấp "số lượng lớn thông tin mật về quốc phòng" cho giới chức Trung Quốc, theo thông cáo ngày 24/5 của Bộ Tư pháp Mỹ.
Ông sinh ra tại Hong Kong, chuyển đến Honolulu, Hawaii vào năm 1968 và trở thành công dân Mỹ vào năm 1975. Ông tham gia CIA vào năm 1982, được điều động làm nhiệm vụ ở nước ngoài và được phép tiếp cận thông tin an ninh mật. Ma nghỉ việc vào năm 1989 và phải ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin của cơ quan.
Trong những năm sau, Ma làm sống và làm việc tại Thượng Hải, Trung Quốc trước khi trở lại Hawaii vào năm 2001.
Hồ sơ công tố cho biết đặc vụ tại Văn phòng Thượng Hải thuộc Cục An ninh Quốc gia (SSB) của Trung Quốc đã tiếp cận Alexander Yuk Ching Ma vào năm 2001 ở Hong Kong thông qua một cựu đặc vụ CIA khác, được cơ quan điều tra xác định là "Đồng phạm số một" (CC1). Người này là họ hàng của ông Ma, sinh ra tại Thượng Hải và cũng được cấp quốc tịch Mỹ.
Sau ba ngày gặp gỡ, cán bộ tình báo Trung Quốc đưa cho CC1 50.000 USD tiền mặt và số tiền này được Ma kiểm đếm. Cơ quan điều tra thu thập được một video ghi hình tình báo Trung Quốc đưa tiền cho hai người. "Ông Ma và CC1 còn đồng ý tiếp tục hỗ trợ tình báo Trung Quốc", thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ nêu.
Giới chức Mỹ không lâu sau bắt đầu điều tra ông Ma. Vào năm 2003, ông được thuê làm chuyên gia ngôn ngữ cho Văn phòng Hawaii thuộc Cục Điều tra Liên bang (FBI). Quyết định tuyển dụng thực chất là một phần kế hoạch điều tra, buộc ông làm việc ở khu vực "có thể bị theo dõi mọi hoạt động" và hé lộ các đầu mối liên lạc với Trung Quốc.
Theo các công tố viên, trong 6 năm làm việc tại FBI, ông Ma tiếp tục sao chép, chụp ảnh và đánh cắp tài liệu mật, mang sang Trung Quốc trong những chuyến du lịch, rồi trở về nhà với nhiều món quà đắt tiền và hàng nghìn USD tiền mặt.
Năm 2006, Ma liên lạc đồng phạm nhờ cung cấp danh tính của ít nhất hai cá nhân trong loạt hình ảnh nhận từ tình báo Trung Quốc.
Alexander Yuk Ching Ma bị bắt vào tháng 8/2020 và tạm giam để điều tra trong 4 năm qua. Ông đạt thỏa thuận nhận tội với các công tố viên với cáo buộc thông đồng thu thập và chuyển thông tin quốc phòng cho chính phủ nước ngoài. Ma thừa nhận ông biết rõ các thông tin mà mình làm lộ có thể gây hại cho nước Mỹ.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
Bản án được đề nghị trong thỏa thuận nhận tội của Ma là 10 năm tù. Phiên tòa tuyên án dự kiến diễn ra vào ngày 11/9. Nếu không có thỏa thuận nhận tội, Ma đối mặt án tù chung thân.
Thanh Danh (Theo AFP, AP)