Ngày 13/4, sau hơn một tuần xét xử, ông Thắng, 67 tuổi, cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị TAND tỉnh tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai. Mức án này thấp hơn VKS đề nghị (6-7 năm tù) trước đó.
Ông Lê Đức Vinh (cựu chủ tịch nhiệm kỳ sau, 57 tuổi) và Đào Công Thiên (60 tuổi, cựu phó chủ tịch) nhận 4 năm 6 tháng tù; 5 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo các sở ngành bị tuyên phạt từ hai năm 6 tháng đến ba năm 6 tháng tù về cùng tội danh.
Theo HĐXX, các bị cáo đều là người từng giữ các chức vụ lớn của tỉnh, có trình độ, am hiểu pháp luật và có chuyên môn, nhưng đã ký các quyết định trái quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị, quy hoạch của địa phương.
Trong đó, bị cáo Thắng, Thiên đã ký quyết định giao 513 ha đất cho Công ty Khánh Hòa và chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất ở và đất có mục đích công cộng tại tiểu khu 573 ha trên núi Chín Khúc để thực hiện dự án Sinh thái tâm linh Cửu long Sơn Tự. Các cán bộ sở ngành gồm ông Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái (cùng là cựu giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường), ông Trần Văn Hùng (cựu chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai) đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ký các quyết định trên và cho doanh nghiệp này được miễn tiền sử dụng 370 ha đất trái quy định pháp luật.
Còn ông Lê Đức Vinh đã ký quyết định cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng hơn 19,65 ha từ đất rừng sản xuất sang đất ở, đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung. Quyết định này là vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai.
Các bị cáo Lê Mộng Điệp, Trần Văn Hùng và Lê Văn Dẽ (cựu giám đốc Sở Xây dựng) cũng tham mưu để ký quyết định trên.
Quá trình xét xử, các bị cáo đều thừa nhận hành vi và cho rằng bản thân cảm thấy bị "dằn vặt" về những sai phạm của mình.
Tòa cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Thắng có vai trò cao nhất, nắm được các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn tỉnh, nên phải chịu trách nhiệm cao hơn các bị cáo khác. Còn bị cáo Vinh, Thiên được giao phụ trách mảng đất đai, tài nguyên môi trường, nắm rõ quy hoạch nhưng vẫn ký quyết định cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp trái luật.
"Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào vai trò của cán bộ tỉnh, nên cần phải xử lý nghiêm", bản án nêu. Tuy nhiên, tòa cho rằng, mức án được đưa ra đã ghi nhận các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Năm 2019, sau khi bị phát hiện sai phạm, chủ đầu tư đã trả lại 370 ha đất khoanh nuôi tái sinh, phục hồi môi trường rừng. Hiện trạng đất dự án đã được chuyển đổi cơ cấu thành đất trồng rừng sản xuất theo đúng quy hoạch. Vì thế, vụ án không xác định thiệt hại vật chất.
Phong Điền