Ngày 6/4, HĐXX bắt đầu thẩm vấn ông Lê Đức Vinh, 57 tuổi, cựu chủ tịch UBND Khánh Hòa, và các bị cáo liên quan để làm rõ sai phạm trong việc giao đất cho doanh nghiệp trái luật và kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phá vỡ quy hoạch khu vực núi Chín Khúc.
Ông Vinh bị cáo buộc khi còn là Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, với sự tham mưu của các cán bộ sở ngành đã ký các quyết định giao đất cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất; giao đất trên thực địa (ngày 22/8/2012) trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính (ngày 18/2/2014). Ngoài ra, cựu chủ tịch Khánh Hòa còn ký duyệt cho doanh nghiệp này chuyển mục đích sử dụng diện tích 19,65 ha từ đất rừng sản xuất sang đất ở và đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại tiểu khu 573 ha trên núi Chín Khúc.
Trả lời HĐXX, ông Vinh thừa nhận ngày 13/6/2012 đã ký quyết định về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung khi chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/2000 là không đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bị cáo cho rằng thời điểm ký quyết định trên là thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của UBND tỉnh giao. "Cái sai này là do kế thừa nhiệm kỳ trước (bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, 67 tuổi, giữ chức Chủ tịch tỉnh) - từ khi tôi còn chưa giữ chức Phó chủ tịch tỉnh", ông Vinh nói và giải thích dự án này trước đó đã được duyệt về chủ trương, đến khi giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2011-2016) ông có ký điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chứ không ký phê duyệt quy hoạch.
Về việc ký cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng 19,65 ha đất rừng sản xuất sang đất ở và đất công cộng với hình thức sử dụng lâu dài, ông Vinh nói là dựa vào tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi các cơ quan tham mưu trình lên, ông thấy trong quy hoạch chi tiết đã có đất ở nên ký cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cựu chủ tịch Khánh Hòa cũng cho rằng, việc cho phép Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án dưới hình thức có thu tiền sử dụng đất là căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành như Luật đất đai; Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Khánh Hòa... Do đó, nội dung cáo trạng truy tố đối với ông "là có phần đúng, phần chưa đúng".
Cụ thể, việc ký điều chỉnh quy hoạch chi tiết chỉ là "sai về trình tự, chứ nội dung không sai". Ngoài ra, tại thời điểm ký các quyết định như giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được cơ quan cấp dưới thẩm định. Trong tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường có cả quy hoạch xây dựng và trong quy hoạch có đất ở nên ông ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
"Việc này đã được thường vụ UBND tỉnh quyết định, tôi chỉ là người được ủy quyền ký thay theo chức năng nhiệm vụ. Hơn nữa, tôi tin tưởng cấp dưới tham mưu và tờ trình của các sở ngành nên dẫn đến sai sót", ông Vinh nói và khẳng định lúc ký không biết mình sai.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng trước thời điểm ông Vinh ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì khu vực núi Chín Khúc đều được quy hoạch đất rừng sản xuất.
HĐXX sau đó chuyển qua thẩm vấn ông Lê Văn Dẽ, cựu giám đốc Sở Xây dựng. Ông này bị cáo buộc không tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Quy hoạch đô thị, đã có báo cáo kết quả thẩm định đồ án quy hoạch, làm cơ sở cho ông Lê Đức Vinh ký duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trái quy định.
Trả lời HĐXX, bị cáo Dẽ cho biết, ngay từ đầu bản thân đã thấy khu vực thực hiện dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung mà có đất ở là sai quy hoạch. Vì theo quy hoạch chung, đây là vùng cây xanh sinh thái. "Do thấy sai quy hoạch nên tại cuộc họp với UBND tỉnh liên quan đến dự án này, tôi đã báo cáo miệng là không đúng, nhưng UBND không nghe thì bị cáo phải thực hiện", ông này trình bày.
Tham gia xét hỏi, VKS chất vấn: "Tại sao thấy sai nhưng bị cáo lại không có văn bản phản hồi, mà thực hiện theo chỉ đạo?".
Cựu giám đốc Sở Xây dựng đáp: "Nếu có văn bản phản hồi thì bị cáo đã không ngồi ở đây. Tuy nhiên, khi đó bị cáo nhận thức rằng, mình góp ý ngay từ đầu mà không được thì gửi văn bản cũng không có ý nghĩa gì. Bị cáo nghĩ cơ quan nào chỉ đạo sai thì cơ quan ấy chịu trách nhiệm".
Ông Dẽ khai thêm, đúng ra thì phải có quy hoạch phân khu 1/2000 trước khi có quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, chủ đầu tư có đề nghị chỉ lập quy hoạch chi tiết 1/500 và được UBND tỉnh đồng ý. Khi làm việc này UBND không lấy ý kiến của Sở Xây dựng mà tự nhận hồ sơ và chỉ đạo sở thực hiện.
Trong những buổi làm việc trước đó, cựu chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng, 67 tuổi, cũng thừa nhận sai và đã "suy nghĩ cảm tính" khi chỉ đạo giao và tăng diện tích dự án Sinh thái tâm linh Cửu long Sơn Tự cho Công ty Khánh Hòa từ 123 ha lên 513 ha, trong khi doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bị cáo và những người liên quan tham mưu cho ông đều thừa nhận hành vi, song cho rằng "chỉ nhận ra mình sai khi làm việc với cơ quan điều tra".
Trong vụ án này, ông Thắng và ông Vinh cùng 5 cán bộ sở ngành liên quan bị cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 5-12 năm tù.
Theo cáo trạng, các bị cáo đã vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Năm 2019, sau khi bị phát hiện sai phạm, chủ đầu tư đã trả lại 370 ha đất khoanh nuôi tái sinh, phục hồi môi trường rừng. Hiện trạng đất dự án đã được chuyển đổi cơ cấu thành đất trồng rừng sản xuất theo đúng quy hoạch. Vì thế, vụ án không xác định thiệt hại vật chất.
Ngày mai tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Phong Điền