Ngày 5/4, phiên xử ông Nguyễn Chiến Thắng, 67 tuổi; Lê Đức Vinh, 57 tuổi (hai cựu chủ tịch UBND Khánh Hòa) và 5 cựu lãnh đạo sở ngành về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai tiếp tục với phần thẩm vấn.
Là người có trách nhiệm cao nhất, ông Thắng bị cáo buộc khi còn đương chức đã ký nhiều văn bản, chỉ đạo tăng diện tích dự án Sinh thái tâm linh Cửu long Sơn Tự cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) từ 123 ha lên 513 ha trong khi doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Việc điều chỉnh tăng diện tích sai là quy hoạch, trái với kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phá vỡ quy hoạch khu vực núi Chín Khúc.
Là người đầu tiên bị thẩm vấn trong phiên xử diễn ra hôm qua, ông Thắng thừa nhận sai và đã "suy nghĩ cảm tính" khi giao 513 ha đất mở rộng dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái cho Công ty Khánh Hòa, trong đó có đất sản xuất phi nông nghiệp và đất ở nông thôn.
Cụ thể hơn, ông Thắng cho rằng lúc đó tin tưởng vào cơ quan tham mưu của Sở Kế hoạch - Đầu tư và nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT), nên khi ký các văn bản mà "không biết là vi phạm". Nhưng việc này chỉ sai về trình tự ký chứ không sai phạm đến mức xử lý trách nhiệm về hình sự. Bởi khi còn đương chức, mỗi ngày văn phòng trình ký khoảng 50-100 văn bản nên bị cáo không thể nào kiểm tra hết. Do đó, các quyết định giao đất chỗ nào có chữ ký nháy thì ông ký vì "nếu đọc hết hồ sơ sẽ mất 45 ngày cũng không xong".
"Tôi không đổ lỗi cho các sở ngành, nhưng tôi tin tưởng cấp dưới tham mưu, tin tưởng vào tờ trình của Sở TN&MT. Cái này là tôi sai, tôi chịu trách nhiệm", ông Thắng nói, thêm rằng "lúc ký không biết mình sai, cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận ra".
Về việc chưa quyết định thu tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp, bị cáo giải thích, đất tại khu vực bàn giao cho doanh nghiệp là đất đồi núi trọc, núi đá, nên khi doanh nghiệp xin giữ để chăm sóc là việc làm rất quý. Ban đầu bị cáo có ý kiến miễn thu tiền sử dụng đất, khi Cục thuế có văn bản cho rằng không có căn cứ pháp luật để miễn nên ông giao Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Nông thôn làm việc với Cục thuế, sau đó tham mưu cho UBND tỉnh.
Căn cứ trên tham mưu này, ông Thắng tổ chức họp với các sở ngành liên quan. Vì có nhiều ý kiến khác nhau nên ông kết luận chưa thu thuế, chờ hướng dẫn của cấp trên rồi tính tiếp. "Tuy nhiên sau đó tôi nghỉ hưu. Sau này các cơ quan miễn thuế tôi thấy mình không liên quan", bị cáo nói.
Trả lời HĐXX, về việc biết đất trong dự án là quy hoạch rừng sản xuất nhưng lại ký duyệt cho doanh nghiệp làm khu nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua, ông Thắng cho biết, khi nhà đầu tư đề xuất chuyển mục đích sử dụng 7.500 m2 đất ở bản thân không nghĩ là để kinh doanh bất động sản, vì diện tích này quá ít so với tổng diện tích đất trồng rừng, du lịch tâm linh. "Trước đó tôi cũng ký cho chuyển một số diện tích đất rừng khu Bắc Hòn Ông hay núi Cô Tiên thành đất ở nông thôn, chủ yếu là để doanh nghiệp họ cho thuê và bán gì đó thôi", bị cáo trình bày và cho rằng dự án này chủ yếu là trồng rừng, bảo vệ phát triển rừng kết hợp du lịch tâm linh chứ không có ý đồ "phân lô bán nền".
Bị thẩm vấn sau đó, ông Lê Mộng Điệp, cựu giám đốc Sở TN&MT, nói "khá buồn và thất vọng" về lời khai của ông Thắng khi cho rằng trách nhiệm chính thuộc về cơ quan tham mưu là Sở TN&MT.
Theo bị cáo Điệp, mục đích của dự án trên là bảo vệ rừng, phục vụ sinh thái, Sở TN&MT chỉ thực hiện quy trình dự án, còn đơn vị tham mưu trước đó là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở này đã thẩm định thiết kế cơ sở về trồng rừng, loại đất... và ghi là "phù hợp với quy hoạch sử dụng đất", đơn vị của bị cáo chỉ tham mưu, làm dự thảo các văn bản thủ tục hành chính.
"Khi ký các tờ trình tham mưu, bị cáo làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh", ông Điệp khai, đồng thời cho rằng nếu áp dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lúc đó thì việc cho doanh nghiệp một diện tích đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là không đúng.
Tuy nhiên, ông này thừa nhận đã tham mưu loại đất phi nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái để nhà nước thu thuế (tỷ lệ đất này trong dự án khoảng 1% tổng diện tích). "Thời điểm đó tôi nhận thức mình làm đúng nên mới tham mưu, chứ nếu biết sai thì nhất định không làm", ông Điệp nói và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong vụ án này, ông Lê Đức Vinh và các cựu cán bộ sở ngành được xác định, đã ký cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng 196.194 m2 từ đất rừng sản xuất sang đất ở và đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung.
Các quyết định giao đất này đã vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Năm 2019, sau khi bị phát hiện sai phạm, chủ đầu tư đã trả lại 370 ha đất khoanh nuôi tái sinh, phục hồi môi trường rừng. Hiện trạng đất dự án đã được chuyển đổi cơ cấu thành đất trồng rừng sản xuất theo đúng quy hoạch. Vì thế, vụ án không xác định thiệt hại vật chất.
Trong hôm nay, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thẩm vấn ông Vinh và các bị cáo khác.
Phong Điền - Phú Khánh