Ngày 22/8, trong ngày làm việc thứ bảy của phiên xét xử đại án sai phạm tại 188 ha "đất vàng" tại Bình Dương, mở đầu phần tự bào chữa, cựu chủ tịch Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết nhận nhiệm vụ chủ tịch UBND tỉnh cuối năm 2015. Do đó tình hình hoạt động của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương (Tổng công ty 3/2) giai đoạn trước đó, ông không nắm được, cũng không được ai bàn giao cụ thể để quản lý.
"Bị cáo nhận thức Tổng Công ty 3/2 thuộc Tỉnh uỷ nên không theo dõi, không nắm được nhiều thông tin hoạt động", ông Liêm phân trần. Theo đó, trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa, cuối năm 2015, khi thành lập Ban chỉ đạo Cổ phần hóa, ông Liêm khai đã muốn giao cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2) trực tiếp triển khai kế hoạch cổ phần hoá của chính mình để bảo đảm tính chặt chẽ.
"Bị cáo không theo dõi, không thường xuyên kiểm tra việc cổ phần có đúng hay không nên để xảy ra sai sót tại khu đất 145 ha", cựu Chủ tịch Bình Dương lần thứ hai thừa nhận thiếu giám sát với hoạt động của Tổng công ty 3/2. Song ông Liêm đề nghị HĐXX xem xét yếu tố "không vụ lợi", sai sót do tin tưởng tham mưu của cấp dưới, tức văn bản đề xuất của Sở Tài chính.
Giai đoạn có thông tin về "đất vàng rơi vào tay tư nhân", ông Liêm khẳng định UBND tỉnh đã thành lập thanh tra xác minh để có hướng xử lý, với thái độ kiên quyết, cứng rắn với sai phạm. "Thường trực Tỉnh uỷ đã rất kiên quyết chỉ đạo Tổng Công ty 3/2 phải khắc phục song việc khắc phục kéo dài", ông Liêm giải thích.
Theo cáo trạng, ông Liêm biết khu đất 145 ha đã được tỉnh phê duyệt phương án sử dụng, kế thừa vào giá trị tài sản Tổng công ty 3/2 Bình Dương sau cổ phần hóa.
Ông Liêm cũng biết việc lô đất bị đưa vào góp vốn tại liên danh công ty sân sau của ông Minh, song vẫn ký quyết định không đưa khu đất này vào giá trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hành vi của ông Liêm bị cáo buộc, khiến khu đất 145 ha rơi vào tay công ty tư nhân, "sân sau" của ông Minh, gây thất thoát cho Nhà nướchơn 4.000 tỷ đồng.
Lời phân trần của cựu lãnh đạo khối Tỉnh ủy
Tổng công ty 3/2 là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Trong số 28 bị cáo của vụ án, có ba người là cựu cán bộ thuộc Tỉnh ủy, gồm ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy, Ngô Dũng Phương, cựu Trưởng phòng Tài chính Đảng, VP tỉnh ủy và ông Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy phụ trách kinh tế.
Ông Cành vắng mặt tại phiên tòa ngay từ ngày đầu xét xử, có đơn xin xét xử vắng mặt, do vừa trải qua phẫu thuật mổ u não, Việc này được HĐXX chấp nhận.
Cáo trạng quy kết, trong giai đoạn cổ phần hóa, ông Cành cùng bị cáo Nam, Liêm là những cá nhân chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thống nhất chủ trương, quyết định và chỉ đạo Tổng Công ty 3/2 chuyển giao khu đất 43 ha về cho tài sản nhà nước.
Song khi biết Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho tư nhân, ông Cành không yêu cầu cầu hủy bỏ hợp đồng mà vẫn đồng ý theo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy, tiếp tục cho Tổng Công ty 3/2 thực hiện chuỗi sai phạm trên khu đất 43 ha. Điều này "tạo điều kiện" cho bị cáo Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang Công ty tư nhân trái pháp luật, cáo trạng nêu. Ông Cành bị quy kết liên đới gây thất thoát cho Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.
Bào chữa cho ông Cành, luật sư cho rằng thân chủ luôn thừa nhận hành vi sai phạm. "Tại thời điểm xảy ra sai phạm, Thường trực Tỉnh ủy có làm mọi biện pháp cũng không ngăn chặn được việc xảy ra", luật sư nêu, để giải quyết cần có sự hợp tác của các bên, cần phải giải quyết bởi cả vụ án, chứ không chỉ cá nhân ông Cành.
Trước đó, cựu Bí thư Trần Văn Nam khai không đổ lỗi cho cấp dưới nhưng thấy tiếc khi cấp dưới, ông Cành, không có mặt để giải thích về các hành vi các cá nhân tại Tỉnh ủy bị cáo buộc.
Ông Nam khẳng định không chỉ đạo hay trực tiếp làm sai lệch các văn bản để hợp thức hóa sai phạm của Tổng công ty 3/2, dù đây là doanh nghiệp có công lao đóng góp cho tỉnh. "Nhưng không vì thế mà lãnh đạo không rõ ràng", ông nam khẳng định.
Ngay sau khi phát hiện sai phạm, ông Nam nói đã cùng Thường trực Tỉnh ủy xem xét kỹ lại toàn bộ các văn bản để lý giải vì sao lại có sai phạm. Ông khẳng định từ người soạn thảo là Văn phòng Tỉnh ủy đến Phó bí thư Thường trực đều không có ý định che giấu, tiếp tay, chống lưng cho Tổng Công ty 3/2.
Trong phiên luận tội ngày 19/8, ông Liêm ông Nam cùng bị VKS đề nghị 9-10 năm tù, ông Cành bị đề nghị 4-5 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Số phận của hai lô "đất vàng"
Tháng 12/2019, Công an Bình Dương có công văn đề nghị ngăn chặn các hoạt động liên quan quyền sử dụng đất với cả hai khu đất 43 ha và 145 ha (188 ha). Bốn tháng sau, 14/4/2020, Công an Bình Dương ra quyết định tạm giữ 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc khu 43 ha của Công ty Tân Phú.
Tại toà, đại diện Công ty Tân Phú đề nghị được nhận lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cơ quan điều tra thu giữ. Trong trường hợp phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất chênh lệch, công ty mong muốn được nộp để được tiếp tục thực hiện các dự án. Vị đại diện cho biết, công ty đang chuẩn bị các thủ tục san lấp đường, thiết kế... để triển khai dự án, mong muốn được xem xét là "bên thứ ba ngay tình".
Đối với khu đất 145 ha, đại diện Công ty Tân Thành cho biết khu đất trên gồm 2 hạng mục gồm sân golf và khu thương mại dịch vụ. Hiện nay khu sân golf đã đưa vào khai thác. Tỉnh uỷ Bình Dương cho hay, đã cùng các bên liên quan thống nhất trả lại khu đất cho Tỉnh uỷ để Tỉnh uỷ hoàn trả cho các cổ đông toàn bộ phần vốn góp.
Trong bản luận tội công bố ngày 19/8, VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại hai khu đất về chủ sở hữu là Tỉnh uỷ Bình Dương để xử lý theo quy định. Bởi vậy, đồng thời, đề nghị không yêu cầu các bị cáo có sai phạm liên hai khu đất này phải bồi thường thiệt hại.
Về nghĩa vụ tài chính khi giao hai khu đất cho Tổng công ty 3/2 với giá thấp hơn tại thời điểm giao đất khiến đơn vị này được hưởng lợi, VKS đề nghị Tổng công ty 3/2 phải hoàn thành nốt phần nghĩa vụ tài chính còn lại là nộp hơn 560 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Thanh Lam- Phạm Dự