Ngày 20/8, ngày thứ 6 làm việc của TAND Hà Nội, các bị cáo, luật sư bắt đầu tranh luận trong vụ án sai phạm liên quan hai khu "đất vàng" ở Bình Dương.
Bắt đầu phần tự bào chữa, ông Nam khẳng định không chỉ đạo hay trực tiếp làm sai lệch các văn bản để hợp thức hóa hồ sơ. Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (tức Tổng công ty 3/2) là doanh nghiệp có công lao đóng góp cho tỉnh nhưng không vì thế mà "lãnh đạo không rõ ràng".
Theo cáo buộc, trong giai đoạn cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, ông Nam lúc này là Bí thư Tỉnh ủy, biết rõ việc Tổng công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về cho nhà nước là trái chủ trương Tỉnh ủy nhưng không yêu cầu hủy hợp đồng. Việc này khiến quyền sử dụng 43 ha rơi vào tay tư nhân.
Khi phát hiện các sai phạm, ông Nam bị cáo buộc không ngăn chặn mà còn "bao che và chỉ đạo cấp dưới" làm các văn bản để hợp thức hóa. Hậu quả, nhà nước bị thiệt hại hơn 980 tỷ đồng.
Giải thích điều này, ông Nam cho rằng ngay sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới xuất hiện tình tiết "hợp thức hóa hồ sơ". Ông sau đó đã cùng Thường trực Tỉnh ủy xem xét kỹ lại toàn bộ các văn bản để lý giải vì sao lại có việc này. Ông khẳng định từ người soạn thảo là Văn phòng Tỉnh ủy đến Phó bí thư Thường trực đều không có ý định che giấu, tiếp tay, chống lưng cho Tổng Công ty 3/2.
"Anh Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, có chỉ đạo hợp thức hay không, tôi không biết, bởi đó là việc của anh Cành. Nhưng rất tiếc không có anh Cành ở đây để nói cho mọi người hiểu, thế nào là hợp thức hóa", ông Nam phân trần. Hôm 15/8, trong phần khai mạc phiên tòa, chủ tọa thông báo, bị cáo Cành có đơn xin xét xử vắng mặt do mổ sọ não.
Cuối phần bào chữa, cựu Bí thư Tỉnh ủy thừa nhận "còn chậm trễ" khi không quyết liệt và làm việc rõ ràng với Tổng công ty 3/2 để cho sai phạm kéo dài. Tuy nhiên, một lý do khách quan, là kéo dài để chờ thêm kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rõ ràng.
"Việc bị quy kết là hợp thức hóa đau lòng lắm, rất đau lòng. Tôi xin khẳng định lịch sử tỉnh Bình Dương và lãnh đạo qua các thời kỳ đều không có tư tưởng che giấu hay bắt tay với doanh nghiệp. Tôi không đổ tội cho cấp dưới, cấp dưới cũng không đổ lỗi cho tôi và tôi cũng không bao giờ để cấp dưới làm sai phạm", ông Nam nói.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho ông Nam, nêu quan điểm, xét hậu quả của quá trình áp giá sai, thực tế, tài sản nhà nước không hề bị thất thoát. Nếu giá đất bị áp sai, dẫn đến Tổng công ty 3/2 được hưởng lợi thì bên hưởng lợi vẫn là nhà nước, do theo cáo trạng Tổng công ty 3/2 là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy, có tài sản được xác định 100% của Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng cũng cho rằng hậu quả hành vi của ông Nam, có thể bị coi là "sai quy trình" nhưng không gây hậu quả thất thoát tài sản của nhà nước. Do đó, trên thực tế, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước đến nay đều chấp nhận, không yêu cầu truy thu và cả đại diện chủ sở hữu khu đất (Tỉnh ủy Bình Dương) cũng không yêu cầu phải truy thu.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam bị VKS cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, đề nghị hình phạt 9-10 năm tù. Ông Nam là cán bộ trải qua nhiều vị trí trước khi giữ chức cao nhất ở Bình Dương. "Lẽ ra với vị trí, sự phấn đấu và sự tin tưởng của nhân dân, ông Nam phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Song trong vụ án này, ông có động cơ vụ lợi, vun vén cho cục bộ ở địa phương để xảy ra sai phạm", bản luận tội nêu.
Cựu bí thư còn bị cáo buộc đồng tình với tham mưu về các sai phạm về đất đai của cấp dưới, chấp thuận cho áp đơn giá thấp hơn khi giao 43 ha và 145 ha đất cho doanh nghiệp, dẫn đến nhà nước thất thoát hơn 761 tỷ đồng.
Trong phần xét hỏi trước đó, ông Nam ban đầu khẳng định không bao che cho doanh nghiệp làm sai. Việc ký duyệt giá thuê đất thấp hơn 27 lần thực tế cho doanh nghiệp, ông thực hiện trên cơ sở tin tưởng văn bản tham mưu của Cục Thuế và các cấp dưới tại văn phòng UBND.
Đầu năm 2018, khi thấy quây rào khu đất này và rộ lên thông tin "Tỉnh ủy bán 'đất vàng' cho tư nhân" thì ông mới biết. Chỉ khi có kết luận thanh tra, ông mới hiểu đây là việc làm sai, nhưng ngay sau đó đã "rất quyết liệt" tổ chức cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy để thanh tra và cuối cùng là khởi tố vụ án. Trong lượt trả lời xét hỏi thứ hai với phía các luật sư, ông Nam đã thừa nhận "thiếu trách nhiệm".
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Thanh Lam - Phạm Dự