Năm 2004, Abu Bakr Naji, một trong những chiến lược gia của phiến quân al-Qaeda, tung lên mạng cuốn sách có tựa đề "Quản lý sự man rợ", và ngay lập tức có ảnh hưởng cực lớn đối với các nhóm khủng bố Hồi giáo thời bấy giờ. 10 năm sau, nó trở thành tiền đề cho tư tưởng "lập quốc" bằng bạo lực của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), theo Atlantico.
Các chỉ huy phiến quân IS coi trọng vai trò của cuốn sách bởi nó được coi như một kế hoạch hoàn chỉnh, với những phương pháp cần thiết để thành lập một Nhà nước Hồi giáo có nền văn hóa đặc thù dựa trên bạo lực và cưỡng ép.
Trong cuốn sách này, thế giới hiện nay là một trật tự vô tổ chức và bị chia rẽ sâu sắc bởi những "kẻ ngoại đạo", hay nói cách khác là một trật tự thế giới phi Hồi giáo. Naji cho rằng các tín đồ đạo Hồi cần đấu tranh, thậm chí tử vì đạo để xây dựng lại một trật tự thế giới mới hoàn toàn khác biệt.
"Ai từng tham gia jihad đều biết đó là con đường bạo lực, tàn nhẫn, khủng bố và thảm sát", Naji đã viết như thế ngay trong chương đầu của cuốn sách.
Cuốn sách chia chiến lược thành lập nhà nước Hồi giáo thành ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là tạo ra sự hỗn loạn trong lãnh thổ của đối phương; giai đoạn thứ hai là tận dụng sự hỗn loạn đó để đặt nền móng cho một nhà nước được điều hành bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi; giai đoạn thứ ba là chính thức thành lập nhà nước dựa trên luật Hồi giáo sharia hà khắc.
Trong giai đoạn đầu, để tạo ra sự hỗn loạn trong lãnh thổ của đối phương, phiến quân buộc phải sử dụng bạo lực để đánh vào uy tín của chính quyền bản địa mà chúng coi là bất hợp pháp hay phi Hồi giáo. Trong tình huống này, tấn công khủng bố là phương pháp hữu hiệu để đạt được sự hỗn loạn lớn nhất.
Song song với các hành động khủng bố này là chiến dịch tuyên truyền tư tưởng jihad đầy bạo lực để thu hút các tín đồ Hồi giáo cực đoan nhằm tăng cường lực lượng.
Theo học giả Hosham Dawod, chuyên gia thuộc CNRS, bản chất của "Quản lý sự man rợ" chính là gây tâm lý sợ hãi tột độ trong người dân bằng các hành động bạo lực được thực hiện cả trước, trong và sau khi thành lập cái gọi là nhà nước Hồi giáo.
Cai trị bằng nỗi sợ hãi
Sau khi giành kiểm soát một vùng lãnh thổ, Naji cho rằng bạo lực là phương pháp duy nhất để lôi kéo người dân và trừng phạt những kẻ cứng đầu bằng "những hình thức bạo lực man rợ và tàn nhẫn nhất", bởi "không sợ hãi thì những kẻ ngoại đạo sẽ không tuân phục".
Theo đó, biện pháp cắt cổ và thiêu sống là những hình thức gieo rắc sợ hãi kinh hoàng và khát máu nhất mà phiến quân lấy cảm hứng từ quyển sách để trừng trị kẻ thù và những kẻ bất tuân phục.
Cũng theo cuốn sách này, để gây được tiếng vang và tạo dựng uy tín thì tấn công khủng bố và bắt cóc con tin là những biện pháp không thể thiếu.
"Để phục vụ mục tiêu này, tấn công khủng bố là các hành động tích cực, việc bắt cóc các con tin là cần thiết và các hoạt động này phải được thực hiện một cách ngoạn mục nhất có thể đề gây ấn tượng mạnh nhất với kẻ thù", Naji khẳng định.
Theo đó, một trong những động lực để phiến quân chấp nhận đánh bom liều chết chính là tư tưởng chia rẽ tôn giáo và dân tộc. Chính vì thế, Naji kêu gọi "các lãnh tụ Hồi giáo" đẩy mạnh tuyên truyền học thuyết về sự bất công mà những kẻ ngoại đạo đang áp dụng với người Hồi giáo.
"Giữa jihad và các giáo lý tôn giáo khác có sự khác biệt rõ ràng, trong jihad không có lòng thương xót mà sẽ dùng bạo lực cực đoan đáp trả lại kẻ thù", Naji kết luận.
Nguyễn Hoàng