Bức tường xỉn vàng của căn phòng có một vết nứt sâu chạy dài. Những chiếc đệm mỏng rách rưới trải trên sàn bêtông. Những chiếc bát nhựa rẻ tiền bị nứt được chắp vá tạm bợ.
Abu Mohammed đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria 3 lần. Nơi ở hiện tại của gia đình ông là một tòa nhà có 200 người trú ngụ ở thành phố Kisweh, cách thủ đô Damascus 13 km về phía nam.
Hiện có hàng ngàn gia đình di tản khác đang đổ về thành phố này, khiến dân số ở Kisweh tăng hơn 4 lần trong những năm gần đây. Từ tháng 8, khu vực này trở nên yên tĩnh nhờ lệnh ngừng bắn.
Phóng viên BBC có dịp cùng nhóm nhân viên của UNICEF khảo sát các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Kisweh. Cũng giống như các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, UNICEF đang kêu gọi các nước quyên góp số tiền kỷ lục cho Kế hoạch ứng phó nhân đạo (HRP) được công bố tại Geneva năm nay.
"Nhu cầu của người dân nơi đây đang trở nên ngày càng lớn hơn và rất khó để thế giới bên ngoài có thể hình dung", cán bộ truyền thông UNICEF Razan Rashidi cho biết. "Thậm chí người Syria cũng khó có thể hiểu được mức độ tàn phá ở nơi này".
Nước là vũ khí
"Cuộc sống này còn tồi tệ hơn cả cái chết", cụ ông 79 tuổi Ahmad al Ahmad than thở. Một vài người trong số 20 người cháu của cụ đang ủ dột nhìn ra đường phố ầm ầm các xe chở nước do Liên Hợp Quốc cung cấp qua một nhà thầu địa phương.
"Không thể tưởng tượng được người dân phải chịu đựng như thế nào khi không có nước", Atef Dieb, nhân viên phụ trách nước và vệ sinh của UNICEF nói. "Đáng buồn là nước được sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh trong cuộc xung đột này".
Trên khắp Syria trong nhiều năm qua, chiến tranh tàn khốc đã cắt đứt các nguồn nước và thực phẩm. Cơ sở hạ tầng tồi tàn khiến vùng Kisweh không hề có nước. Các xe chở nước lại chỉ đến đây 8 ngày một lần.
"Đây là nguồn nước duy nhất chúng tôi có và không thể đủ", một người hàng xóm cho biết. "Chúng tôi phải chờ trong nhiều ngày".
Và nước chỉ là một trong số vô vàn các vấn đề ở đây.
Cắt đứt viện trợ
"Nhiên liệu rất đắt đỏ và thực phẩm cũng vậy", Fatima rên rỉ. "Tôi bị ốm, hầu như không đi nổi và chồng tôi cũng ốm".
Cách đó một vài con phố, những đứa trẻ vừa hát vừa nhảy và vỗ tay trong sân trường bằng tiếng Arab để giữ ấm: "Một, hai, ba, bốn". Bên trong trường học không có máy sưởi.
Cũng giống như các trường học khác trên khắp Syria, số lượng các lớp học hiện tăng gấp đôi do hàng triệu người buộc phải bỏ nhà cửa vì chiến tranh . Trẻ con phải chia ra học ca sáng và ca chiều.
Cuộc xung đột đang bước sang năm thứ 5, khoảng 5.000 trường học không còn hoạt động do bị tấn công và được dùng làm các căn cứ quân sự, hoặc không thể sử dụng do gần với chiến tuyến. Điều này cũng có nghĩa rằng hàng nghìn người không tiếp cận được với các nguồn viện trợ.
Tại một nhà kho của Chương trình lương thực thế giới (WFP) ở Damascus, một chiếc lều được chất đầy những bao gạo và các hộp thực phẩm thiết yếu như đường, gạo, đậu và dầu ăn.
"Một phần ba dân số cần viện trợ thực phẩm và có quá nhiều vùng không thể tiếp cận được, đặc biệt là những vùng do Nhà nước Hồi giáo IS kiểm soát", Essam Ismail, người đứng đầu Bộ phận cứu trợ khẩn cấp của WFP cho biết. Ngay cả khu vực bị bao vây quanh Damascus cũng bị cắt viện trợ.
Điều kiện sống thảm khốc buộc hàng triệu người trở thành dân tị nạn. Hàng nghìn người đã mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu.
"Nếu có tiền thì tôi cũng đi", Abu Mohammed nói trong lúc đổ nước vào thùng từ xe chở nước ở Kisweh. "Nếu bạn nghèo khổ ở nước ngoài thì bạn là người tị nạn, nhưng ở trong nước với tình trạng như thế này thì chúng tôi cũng chẳng khác gì tị nạn".
Thúy Nguyễn