Quân đội Nga chuẩn bị khởi động cuộc tập trận lớn nhất lịch sử mang tên Vostok-2018, diễn ra ngày 11-15/9 tại vùng Siberia và Viễn Đông với sự tham gia của 300.000 binh sĩ Nga, Mông Cổ và Trung Quốc, cùng 36.000 phương tiện cơ giới, 1.000 máy bay và 80 tàu chiến.
Sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng cao, liên quan tới cáo buộc Moskva can thiệp công việc nội bộ của các nước khác, cũng như xung đột quân sự tại Ukraine và Syria. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc đây là hành động luyện tập cho một xung đột quân sự quy mô lớn, trong khi nhiều chuyên gia nhận định nó sẽ giúp Nga chuẩn bị cho kịch bản "thế chiến tương lai", theo AFP.
"Vostok-2018 sẽ có quy mô lớn chưa từng có, vượt qua cả tập trận Zapad-81 lớn nhất lịch sử Liên Xô. Hoạt động này sẽ mô phỏng sát nhất các tình huống chiến đấu thực tế", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố. Trong cuộc tập trận Zapad-81, Liên Xô và các nước đồng minh Khối Warsaw đã triển khai khoảng 100.000-150.000 binh sĩ.
Bộ Quốc phòng Nga dự kiến triển khai những khí tài mới, hiện đại nhất trong biên chế cho cuộc tập trận này, như tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U và T-90A, cùng chiến đấu cơ Su-34 và Su-35. Trên biển, các tàu hộ vệ mang tên lửa hành trình Kalibr cũng tham gia tập trận, trong đó nhiều chiếc từng tham chiến tại Syria.
Lần gần đây nhất Nga tổ chức tập trận Vostok là vào năm 2014, với số lượng binh sĩ chỉ bằng một nửa so với Vostok-2018.
Sẵn sàng cho chiến tranh tổng lực
"Vostok-2018 có thể là hoạt động chuẩn bị cho kịch bản Thế chiến tương lai. Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga tin rằng cuộc chiến này sẽ nổ ra sau năm 2020 dưới dạng chiến tranh thế giới hoặc hàng loạt xung đột quy mô lớn. Đối thủ của Nga sẽ là Mỹ và các đồng minh", chuyên gia phân tích Pavel Felgenhauer nhận định.
Sự tham gia của Trung Quốc có thể coi là yếu tố then chốt tại Vostok-2018. "Đây không phải hành động mang tính biểu tượng, nó là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến trong thực tế", Felgenhauer cho biết.
Quan điểm này tương đồng với các tuyên bố của NATO, khi tổ chức này cho rằng Vostok-2018 thể hiện sự ưu tiên của Moskva với các xung đột quy mô lớn. "Nó phù hợp với xu hướng chúng tôi đã thấy trong thời gian qua. Nga đang ngày càng cứng rắn, đồng thời tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và sự hiện diện quân sự", phát ngôn viên NATO Dylan White tuyên bố hồi cuối tháng 8.
Chính phủ Nga cho rằng sự lo ngại của NATO là không cần thiết. "Vostok-2018 diễn ra cách xa khu vực hoạt động của NATO và không ảnh hưởng tới an ninh của các nước thành viên tổ chức này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi nhanh chóng từ sau sự kiện nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Moskva đã tăng cường số lượng các cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng Kavkaz, Baltic và Bắc Cực, đồng thời cáo buộc NATO mở rộng về phía đông và đe dọa an ninh quốc gia Nga.
Theo giới quan sát, Vostok-2018 dường như là phản ứng của Moskva trước các cuộc tập trận quy mô lớn gần đây của NATO gần biên giới Nga. Hồi tháng 6, Ba Lan tổ chức đợt diễn tập Dragon 17 với sự góp mặt của 17.000 binh sĩ và 3.500 khí tài đến từ 9 nước NATO cùng Gruzia và Ukraine. Latvia cũng tổ chức tập trận lớn nhất lịch sử trong tháng 8.
Quân đội Nga vừa kết thúc cuộc tập trận quy mô lớn trên Địa Trung Hải, với sự tham gia của 25 tàu chiến và 30 máy bay quân sự các loại. Đây được coi là động thái răn đe Mỹ và đồng minh, ngăn chặn một cuộc không kích mới nhằm vào lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn.
"Các cuộc tập trận thể hiện khả năng phòng thủ trước sự hung hăng và kém thiện chí nhằm vào Nga là cần thiết, hợp lý và không có giải pháp thay thế", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hồi tháng 8.