Thế giới vẫn biết đến Jerusalem là một vùng đất thánh với nhiều điểm tham quan linh thiêng như khu Thành Cổ, nhà thờ Mái vòm Vàng, Bức tường Than khóc hay nhà thờ Mộ Thánh. Nhưng Jerusalem không chỉ có những khung cảnh tươi đẹp. Cuộc sống ở đây rất khác, với căng thẳng luôn bao trùm, đến nỗi khi xung đột bùng phát, thậm chí người dân bản địa cũng phải đặt câu hỏi vì sao nơi này vẫn có thể tồn tại, theo New York Times.
"Chúng tôi đều tin rằng có điều gì đó vô cùng linh thiêng ở thành phố, nhưng mọi thứ quá khó khăn", Tomer Aser, 35 tuổi, sống ở Beit Hanina, Đông Jerusalem, chia sẻ. "Bạn có cảm giác như đang sống giữa ngục tù. Người dân luôn căng thẳng. Và bạn cảm thấy bản thân bị cô lập: Bạn phải chọn về phe với người Israel hay cộng đồng người Arab. Không có gì khác biệt. Chúng tôi là một quốc gia nhưng có người Israel Arab và người Israel Do Thái".
Đối với người dân Jerusalem, căng thẳng là thứ mà họ phải học cách sống chung với nó. Xung đột giữa người Israel và người Palestine gia tăng từng ngày và tạo nên những áp lực lâu dài, thỉnh thoảng lại đe dọa bùng phát thành bạo lực.
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ dời đại sứ quán đến đây, thành phố giờ đây phải đối diện với nguy cơ bùng phát xung đột nghiêm trọng nhất suốt nhiều năm qua. Không ai dám chắc tình hình có thể tệ đến mức nào.
Bất an
Sáng 9/12, trên chuyến tàu Light Rail nổi tiếng của Jerusalem, phóng viên David M. Halbfinger của New York Times cảm nhận rõ bầu không khí bất an bao trùm thành phố.
Tuyến Red Line bắt đầu từ Tây Jerusalem, trên núi Herzl, nơi có nghĩa trang quốc gia Israel, chạy qua các khu dân cư Shuafat và Beit Hanina ở Đông Jerusalem trước khi kết thúc tại khu Pisgat Ze'ev nhộn nhịp, một trong những khu định cư người Do Thái xây dựng từ năm 1967.
Tuyến đường sắt này không được người Arab sử dụng nhiều như người Do Thái. Sau khi một thiếu niên Shuafat bị bắt cóc gần tuyến đường và bị tra tấn rồi giết hại bởi một nhóm người Israel hồi năm 2014, những người biểu tình Palestine coi đây như biểu tượng về sự chiếm đóng của Israel.
Buổi sáng, các tín đồ Do Thái tranh thủ cầu nguyện trên tàu. Hai nữ sinh trong bộ đồng phục nói chuyện với nhau và cười khúc khích. Một người đàn ông Arab mang theo hai túi đồ tạp hóa, mắt nhìn thẳng.
"Không ai muốn phải căm ghét lẫn nhau", Jane Aharon, một nhà quản lý bất động sản từ Seattle, Mỹ, chuyển đến Israel vào năm 2003 và tới Jerusalem vào năm 2009, cho biết. "Nhưng mọi thứ diễn ra rất quyết liệt. Điều gì cũng có thể đến xung quanh bạn".
Con tàu tiếp tục chạy dọc đường Jaffa, đi qua khu chợ Mahane Yehuda, nơi sáng thứ sáu nào cũng tấp nập người đang cố gắng tranh giành để mua cho được chà là, ô-liu, cá tươi và hạt lựu. Hàng quán sắp đóng trong vài tiếng nữa và chỉ mở cửa trở lại vào Chủ nhật.
Shlomo Fitusi, thợ hàn, 69 tuổi, chậm rãi len qua đám đông trên chiếc xe đạp với rượu kosher treo lủng lẳng trên tay lái.
Fitusi là thành viên của Chabad Lubavitch, một giáo phái Hasidic. Ông sống gần khu Thành Cổ, thường xuyên thức dậy lúc 3h sáng để tới Bức tường Than khóc vào 4h. Ông từng có thời gian sống tại Pháp nhưng đã trở về Jerusalem 14 năm trước.
"Chẳng có việc gì làm ở nước ngoài", Fitusi nói. Với giọng điệu đầy sốt sắng, ông quả quyết rằng "Jerusalem sẽ sớm trở thành thủ đô của cả thế giới".
Dù niềm tự hào vẫn hiện hữu ở đa số người dân Jerusalem, những lời than phiền cũng ngày càng nhiều lên.
Con tàu tới ga Damascus Gate. Tại bãi đỗ dành cho xe buýt, Jamil Rajbi, tài xế, 54 tuổi, vừa kết thúc cầu nguyện và đang gập tấm thảm. Ông sống tại Silwan, một khu dân cư Arab ở Đông Jerusalem, nơi những người định cư Do Thái đang rục rịch mua nhà. Người ta ném đá vào xe của người định cư mới đến nhưng đá giờ đây đã bị các tấm lưới bảo vệ chặn lại.
Rajbi kể rằng cộng đồng của ông muốn mua lại các ngôi nhà để biến thành nhà trẻ nhưng những cư dân Do Thái mới từ chối bán. "Họ khiến chúng tôi phát điên", Rajbi nói.
Bên trong Thành Cổ, khu chợ Arab cũng sôi động và ồn ào như chợ của người Do Thái. Buổi cầu nguyện đã kết thúc, dòng người đổ ra các con phố. Khuôn mặt họ rất lạc quan.
Nabil al-Hejerasi, 65 tuổi, cho hay các giáo sĩ đã bảo với ông "phải kiên nhẫn, đừng lo lắng về những gì người khác nói. Sự thật sẽ đến vào một ngày nào đó". Hejerasi từng sống ở Minnesota, Mỹ nhiều năm nhưng quay trở lại Jerusalem khoảng 10 năm trước.
"Ai cũng yêu quê hương mình", Hejerasi nói, đồng thời thêm rằng ông không thể tưởng tượng được việc mình chết đi và bị chôn ở nơi khác. "Bạn lúc nào cũng muốn được trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà".
Tuy nhiên, Hejerasi cho biết trở về không phải điều dễ dàng đối với ông. "Nhiều người rất cứng đầu", Hejerasi nói. "Cuộc sống ở đây thực sự khó khăn cho cả hai bên".
Tại một góc thuộc Khu Hồi giáo ở Thành Cổ, tiếng ồn ã ngày một lớn dần. Những người định cư Do Thái trên mái nhà đang ném trứng xuống những người Arab ở phía dưới.
Bỗng nhiên một vụ lộn xộn xảy ra. Ba sĩ quan biên phòng Israel đội mũ chống bạo động không biết từ đâu đang đuổi theo một ai đó. Không lâu sau, cuộc rượt đuổi kết thúc. Trong lúc các sĩ quan cảnh sát lấy hơi, một phụ nữ buông lời mắng chửi họ bằng tiếng Arab. Song các cảnh sát Israel không mảy may để ý.
Trở lại chuyến tàu, Rina Pure, người sinh ra và lớn lên ở Acre, thành phố cảng phía tây bắc Israel, cho biết bà đã mua một căn hộ ở khu dân cư French Hill thuộc Jerusalem vài năm trước. Pure cho hay bà vẫn yêu quý thành phố bởi "bầu không khí", "nguồn cảm hứng", "kiến trúc", "sự độc nhất" mà nó mang đến. Song, bà "đã quá mệt mỏi" với những xung đột và căng thẳng, khiến bà có ý định chuyển tới sống cùng con gái ở Tel Aviv.
Theo Muhammad Ziada, tài xế taxi 39 tuổi, tôn giáo là vấn đề lớn ở Jerusalem. "Có một sự hỗn loạn giữa người Do Thái và người Arab. Người Do Thái sẽ không đi taxi của tôi và người Arab sẽ không tới các trung tâm thương mại. Và nếu tôi tới một khu dân cư tôn giáo của người Do Thái và họ phát hiện ra tôi là người Arab, họ sẽ ném đá vào xe tôi", Ziada kể.
Ziada lái xe qua một căn nhà trống mà ông nói là do gia đình ông sở hữu nhưng chính quyền Israel không cho phép ông tiếp cận ngôi nhà. Ziada cũng không muốn bán nó.
"Sẽ chẳng bao giờ có hòa bình ở đây", Ziada bày tỏ, song ông không đổ lỗi cho bất kỳ ai. "Nếu họ đẩy người Arab đi, người Do Thái sẽ quay sang chống đối lẫn nhau và điều này cũng đúng với cả chúng tôi nữa".
Vũ Hoàng