Mohammed Othman lên 9 tuổi khi phong trào nổi dậy Intifada đầu tiên bùng phát vào ngày 9/12/1987. Anh nhớ đã đi bê những tảng đá để chặn đường Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) tiến vào làng Jayyous của mình ở Bờ Tây, theo DW.
Sau Thế chiến II, xung đột giữa cộng đồng người Arab và Do Thái ở Palestine do Anh cai trị ngày càng gia tăng. Liên Hợp Quốc năm 1947 thông qua kế hoạch phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai quốc gia Do Thái (Israel) và Arab (Palestine) riêng biệt. Liên Hợp Quốc trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.
Người Do Thái đồng ý với phương án này của Liên Hợp Quốc và thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5/1948. Trong khi đó, các quốc gia Arab trong khu vực phản đối kế hoạch và phát động chiến tranh với nhà nước Israel non trẻ vào năm 1948. Trong cuộc chiến kéo dài một năm, Israel giành chiến thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phương án phân chia của Liên Hợp Quốc.
Đến năm 1967, chiến tranh giữa phe Arab và Israel tiếp tục nổ ra. Giành thắng lợi nhanh chóng và áp đảo trong cuộc chiến này, Israel chiếm đóng và kiểm soát thêm nhiều phần lãnh thổ về mặt lý thuyết thuộc về Palestine như Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza.
Israel thành lập chính quyền quân sự ở các vùng đất bị chiếm đóng và hỗ trợ người Do Thái tới định cư ở các vùng này. Vào tháng 12/1987, 2.200 người Do Thái sống ở 40% Dải Gaza, trong khi 650.000 người Palestine nghèo đói sống ở 60% còn lại.
Ngày 8/12/1987, 4 người Palestine tại trại tị nạn Jabaliya ở Dải Gaza bị một xe tải của Israel cán chết. Vụ tai nạn đã làm bùng phát những cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội Israel và người biểu tình Palestine tại 8 trại tị nạn vào ngày hôm sau.
Thanh thiếu niên Palestine xuống đường biểu tình, đốt lốp xe, ném đá và bom xăng vào cảnh sát và quân đội Israel. Những người Palestine giàu có và các nhóm phụ nữ cũng tham gia vào các cuộc đình công và tẩy chay, không đóng thuế, không dùng biển số xe của Israel.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Arab - Israel nổ ra trước đó 40 năm, người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza tham gia xung đột với Israel.
Israel cáo buộc Syria, Iran và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) kích động bạo lực. Nhưng theo AFP, thực tế, Intifada không do tổ chức nào khởi xướng mà là phong trào của người dân Palestine bình thường, bùng phát vì sự phẫn nộ của họ đối với Israel. Các lãnh đạo PLO sống lưu vong ở Tunisia ban đầu cũng bất ngờ trước hoạt động này nhưng sau đó đã nắm quyền lãnh đạo phong trào nổi dậy. (PLO được thành lập vào năm 1964 nhằm đương đầu với Israel và đòi quyền lợi thành lập một nhà nước độc lập cho người Palestine.)
Hiệp định lịch sử
Israel triển khai khoảng 80.000 lính để đàn áp các cuộc biểu tình. Họ bắn đạn thật vào người biểu tình, khiến nhiều người Palestine thiệt mạng. Trong 13 tháng đầu tiên, 332 người Palestine và 12 người Israel bị giết, theo cuốn sách của chuyên gia Audrey Kurth Cronin tại Đại học Mỹ.
Israel thực hiện chính sách "đập gãy xương" những người biểu tình trẻ. Hình ảnh lính Israel dùng gậy đánh đập thanh thiếu niên Palestine khiến cộng đồng quốc tế lên án, dẫn đến việc Israel chuyển sang sử dụng đạn nhựa khi đàn áp người biểu tình.
Trong 6 năm, 1.258 người Palestine bị giết bởi những người lính hoặc người định cư Do Thái, theo thống kê của AFP dựa trên các nguồn tin Palestine. Gần 1/4 trong số đó dưới 16 tuổi. Khoảng 150 người Israel cũng thiệt mạng trong các vụ bạo lực.
Phong trào Intifada lên đến đỉnh điểm vào tháng 11/1988, khi PLO tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine. Lãnh đạo PLO Yasser Arafat xúc tiến việc đàm phán hòa bình với Israel.
Năm 1992, lãnh đạo đảng Lao động Israel Yitzhak Rabin trở thành thủ tướng nước này và cam kết đẩy nhanh tiến trình hòa bình với Palestine.
Ngày 13/9/1993, Hiệp ước Oslo được Israel và PLO ký kết tại Washington, cho phép phía Palestine tự trị các phần của Dải Gaza và Bờ Tây. Lễ ký kết chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa ông Rabin và ông Arafat.
PLO yêu cầu người Palestine ngừng tấn công quân đội Israel vào ngày 24/9/1993, chấm dứt cuộc nổi dậy lần thứ nhất.
Năm 1995, ông Rabin bị ám sát bởi một người Do Thái cực đoan. Tiến trình hòa bình chững lại dưới thời những người kế nhiệm ông.
Intifada thứ hai bùng phát khi lãnh đạo phe cánh hữu Israel Ariel Sharon viếng thăm nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa tại Đông Jerusalem ngày 28/9/2000. Kết thúc phong trào này, quân đội Israel chiếm lại phần lớn Bờ Tây và rút quân khỏi Dải Gaza năm 2005.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nhiều cuộc đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel đã nổ ra, gây lo ngại về khả năng Intifada thứ ba sẽ bùng lên ở mảnh đất này.
Phương Vũ