Khu trọ hơn 40 phòng trên đường Lê Văn Khương, đa số người thuê là công nhân làm tại Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc. Đầu tháng 11, doanh nghiệp thông báo sẽ dừng hoạt động do đối tác bất ngờ cắt toàn bộ đơn hàng, đồng nghĩa gần 830 người lâm cảnh mất việc. Hôm 10/11, công ty chuyển trả các khoản lương, hỗ trợ cuối cùng vào tài khoản của công nhân.
"Cả lương tháng 10 và thêm phần hỗ trợ, tôi được 12 triệu đồng", chị Châu Thị Hà, 32 tuổi, quê Trà Vinh, có hơn hai năm làm việc ở Sun Kyoung, nói. Nữ công nhân dành hơn hai triệu đồng trả tiền thuê trọ, số còn lại phải chi tiêu dè xẻn phòng trường hợp chưa tìm được việc mới. Chồng chị, anh Lê Trần Vinh cũng vừa nhận quyết định thôi việc sau hai tháng nhà máy không có việc làm.
Anh Vinh có hơn hai năm làm việc tại Công ty nhựa Rafi ở quận 12. Từ tháng 9, nhà máy bắt đầu giảm việc. Nam công nhân nhận được thông báo tạm thời nghỉ 15 ngày chờ thông báo mới. Tuy nhiên, sau 3-4 lần "chờ nửa tháng", anh vẫn chưa được gọi đi làm trở lại. Không thể đợi thêm, anh nộp đơn nghỉ việc. Khác với vợ, anh không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ nhà máy.
Hơn tuần nay, vợ chồng chở nhau đi tìm việc nhưng chưa có chỗ tiếp nhận. Cách đây 4 hôm, một công ty nhựa nhận hồ sơ xin việc của anh. Chưa kịp mừng thì hai hôm sau nhân sự nhà máy gọi anh lên nhận lại hồ sơ vì doanh nghiệp đã dừng tuyển mới. "Nếu không có việc, làm sao 10 triệu đồng cầm cự được qua Tết", chị Hà quay sang hỏi chồng rồi tự lên kế hoạch cắt luôn hai bữa sáng, trưa. Buổi tối chị nấu nhiều cơm, ăn no, ngủ dậy trễ một chút, nếu đói sẽ ăn mì gói.
Gần phòng trọ chị Hà, Nguyễn Thị Lai, 23 tuổi, mới mất việc ở nhà máy Sun Kyoung, vừa tìm được công việc kiểm hàng ở một công ty may gần đó. Tuy nhiên, chồng chị, anh Dương Văn Bâu, 37 tuổi, công nhân xây dựng lại bị doanh nghiệp cho nghỉ vì không còn công trình. Hơn 10 năm đi làm, anh Bâu nói chưa bao giờ khó tìm việc như giai đoạn này. Anh gọi điện khắp chỗ quen, chạy nhiều nơi nhưng đến đâu cũng bị lắc đầu vì các nhà thầu hết việc hoặc đủ người.
Cách đây hai năm, khi Covid-19 bùng phát, cả nhà kéo nhau về Kiên Giang. Nửa năm trước anh chị quay lại Sài Gòn, để hai con ở quê, mỗi tháng gửi về 5-6 triệu đồng. Do đó, nếu anh thất nghiệp dài ngày, chỉ trông vào lương thời vụ 5 triệu đồng của vợ thì cả nhà không thể cầm cự được quá một tháng. "Cố cầm cự một tháng rồi tính tiếp, cùng lắm lại kéo nhau về quê", anh Bâu nói.
Hơn 20 năm rời Bạc Liêu lên thành phố mưu sinh, chị Trần Thị Diện, 49 tuổi, có ba năm làm việc ở Sun Kyoung, nói rằng tìm được một công việc phù hợp giai đoạn này "mừng hơn trúng số". Sau khi bị cắt giảm, chị được một xưởng may tư nhân nhận vào làm thời vụ, công việc là đánh dấu nút, khuy áo quần trẻ em. Mỗi sản phẩm hoàn thành được trả 280 đồng.
Ngày đầu tiên đi làm, chị không dám đứng dậy đi vệ sinh hay uống nước nhưng chỉ hoàn thành được 100 cái, được trả 28.000 đồng. "Làm sao mà sống được", chị Diện nói. Có người làm nhanh nhưng bị lỗi phải làm lại cả trăm cái và không được trả đồng nào. Không thể theo được nên chị nghỉ việc. Cách đây hai hôm, chị được một xưởng may quần jean nhận vào làm thợ phụ, đánh dấu vị trí các túi. Có việc, nữ công nhân mừng đến nỗi quên hỏi ông chủ cách trả lương.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh một ngày cả xóm trọ túa đi tìm việc như hôm nay", chị Diện nói. Nhiều đồng nghiệp của chị đã đóng cửa phòng trọ về quê. Một số khác tính chuyện đổi nghề vì lớn tuổi, khả năng quay lại nhà xưởng gần như bằng không.
Cách nhà máy Sun Kyoung Việt Nam hơn 20 km, nơi tá túc của hàng trăm công nhân nhà máy Tỷ Hùng trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc (quận Bình Tân) không khí đìu hiu do nhiều người đột ngột mất việc. Do thiếu đơn hàng, từ ngày 1/12, Công ty Tỷ Hùng sẽ chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 lao động. Dịp này nhiều người tranh thủ nghỉ phép về quê chuẩn bị hồ sơ xin việc, số khác dạo quanh các nhà máy xung quanh tìm việc mới.
Chị Nguyễn Thị Kim Lanh, 38 tuổi, cho biết năm tháng trước cả nhà rời Cà Mau đưa con gái 18 tuổi lên thành phố học đại học. Để có tiền trang trải sinh hoạt và nuôi con, chị xin vào Tỷ Hùng làm công nhân với mức lương căn bản mỗi tháng hơn 5 triệu đồng. Chị dự định bám nhà máy ít nhất 4 năm, chờ con gái tốt nghiệp nhưng mới được mấy tháng công ty ra thông báo cắt giảm lao động.
Người mẹ đơn thân nói rằng lúc mới lên thành phố, mẹ con chị chọn phòng trọ gần nhà máy để tiện đi làm, xe máy dành cho con gái đến trường. Giờ đây, khi cả nghìn công nhân mất việc cùng lúc, ra khỏi cửa gặp người thất nghiệp thì cơ hội tìm việc ở các nhà máy xung quanh của chị càng thêm khó khăn.
Mới đây Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết vừa qua nhiều doanh nghiệp giày da, may mặc bị ảnh hưởng của biến động thế giới, nhất là bất ổn ở một số nước châu Âu. Tại TP HCM, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, có nhà máy phải sắp xếp lại thời giờ làm việc, không tăng ca. Trong tháng 10, thành phố giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ quan chức năng thành phố phối hợp với doanh nghiệp cắt giảm để đảm bảo quyền lợi. Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch liên đoàn Lao động TP HCM, cho biết thành phố đã chỉ đạo công đoàn các cấp nắm hoàn cảnh công nhân bị cắt giảm để có phương án hỗ trợ. Sắp tới của công đoàn sẽ tặng quà, tiền mặt, vé tàu xe về quê, hỗ trợ công nhân gặp khó khăn ở lại thành phố ăn Tết. Ngoài ra, quận, huyện kết hợp cơ quan chức năng giới thiệu việc làm cho công nhân.
Lê Tuyết