Kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraine dẫn tới việc Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và các đồng minh NATO đã ráo riết tăng cường sự hiện diện của các tàu quân sự ở khu vực châu Âu tiếp giáp với Nga. Mỹ còn tích cực tổ chức các hoạt động củng cố lực lượng, hiện đại hóa cơ sở vật chất và kỹ thuật ở các nước đồng minh Đông Âu. Một số sân bay quân sự bỏ hoang trước đây đã được Mỹ phục hồi, còn ba nước cộng hòa Baltic là Litva, Latvia và Estonia được tăng cường 20.000 binh lính Mỹ cùng nhiều máy bay do thám và ném bom chiến lược.
NATO phô diễn sát sườn
Trong vài tháng gần đây, Mỹ và NATO đẩy mạnh các cuộc tập trận ở các vùng xung quanh Nga, nhất là tại Biển Đen. Đây là cửa ngõ duy nhất vào Nga mà không phải qua Ba Lan và các nước Bắc Âu khác. Nơi đây gần với vùng Kavkaz, nằm ngay dưới các khu vực sản xuất dầu Tatarstan và Bashkorostan của Nga. Biển Đen còn là con đường tiếp cận duy nhất của Nga ra Địa Trung Hải và là nơi Nga đóng Hạm đội Biển Đen.
Tháng 2, NATO đã quyết định củng cố sườn phía đông bằng quyết định thành lập một lực lượng cơ động phản ứng nhanh gồm 5.000 quân và 6 trung tâm chỉ huy quân sự ở Đông Âu, trong đó có ba nước vùng Baltic. Đây là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO năm 2004.
Tuần thứ hai của tháng 3, các tàu quân sự Mỹ, Canada, Italy và Đức tham gia cuộc diễn tập chung trên Biển Đen với các tàu chiến của Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc diễn tập được tiến hành ở thành phố cảng Varna của Bulgaria, khu vực tiếp giáp với bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập cách đây một năm và chỉ cách căn cứ hải quân Sevastopol của Nga vài trăm km.
Ngoài cuộc diễn tập ở Biển Đen, từ ngày 9/3, Mỹ bắt đầu đưa 3.000 quân đến các nước Baltic để tham gia cuộc tập trận kéo dài 3 tháng nhằm trấn an các nước này.
Tiếp đó, Mỹ tiến hành cuộc tập trận với Ukraine ở biên giới phía tây và lần lượt có các cuộc điều chuyển quân ở Đức, Romania, Ba Lan, Estonia. Bên cạnh đó, 2 tàu sân bay và 6 tàu chiến Mỹ cũng được lệnh đến Địa Trung Hải và Biển Đen.
Ngày 25/3, 10 xe Humvee bọc thép đầu tiên trong lô 30 chiếc do Mỹ hỗ trợ đã cập cảng Ukraine và đích thân Tổng thống Poroshenko đến nhận. Mỹ trước đó còn tuyên bố hỗ trợ 200 xe Humvee thường, phương tiện bay không người lái Raven không trang bị vũ khí, radar cảnh báo pháo kích, thiết bị quan sát ban đêm, dụng cụ sơ cứu và xe cứu thương quân sự. Tổng giá trị gói trang bị "phòng vệ phi sát thương" này là hơn 75 triệu USD. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng đang gây áp lực với Tổng thống Barack Obama để điều "các hệ thống vũ khí phòng vệ sát thương" giúp Kiev chống lại điều mà họ cho là "cuộc xâm lược" của Nga
Nga sẵn sàng đối phó
Khoảng 8.000 binh sĩ cùng 1.500 đơn vị vũ khí sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn ở miền nam nước Nga hồi tháng 3. Ảnh: Sputnik News
Trước những cuộc triển khai quân và vũ khí rầm rộ, cùng hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ và NATO ở sát biên giới Nga, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã có phản ứng tức thì.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 9/3 cáo buộc cuộc tập trận của NATO tại Biển Đen là hành động khiêu khích và đáng báo động. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn tuyên bố Moscow sẽ đáp trả thích đáng các hành động gia tăng quân sự của NATO ngay cạnh biên giới phía tây nước này.
Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Nga tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn trên nhiều vùng lãnh thổ liên bang, trong đó có cả bán đảo Crimea, như một thông điệp đáp trả mạnh mẽ. Các cuộc tập trận này có sự tham gia của một lượng lớn binh sĩ cùng hầu hết các loại vũ khí hiện đại như máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 có khả năng mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, tổ hợp tên lửa Iskander, các phương tiện liên lạc và vũ khí chống tàu ngầm.
Cụ thể, tại Crimea, hơn 2.000 binh sĩ và 500 đơn vị vũ khí đã được huy động vào cuộc tập trận kéo dài một tháng. Các binh sĩ và khí tài quân sự thuộc các căn cứ của Nga ở Armenia, Abkhazia và Nam Ossetia cũng tham gia cuộc tập trận này.
Tại biển Barent, các tàu ngầm Nga và máy bay diễn tập tìm kiếm tàu ngầm của đối phương. Ở Nizhegorod, các loại xe tăng đời mới được tổ chức bắn đạn thật. hơn 2.000 sĩ quan liên lạc và 500 đơn vị kỹ thuật đặc biệt đã tham gia vào các tình huống chiến tranh giả định ở khu vực Bắc Kavkaz. Các lực lượng quân đội mới được thành lập ở Bắc Cực cũng thực hiện các bài diễn tập đổ bộ.
Đối với lực lượng lục quân, họ thực hiện cuộc hành quân kéo dài hơn 300 km tại Stavropol và hơn 50 km tại Bắc Ossetia.
Nga đã đồng loạt tập trận trên tất cả các khu vực chiến lược dễ xảy ra chiến tranh tiềm tàng như Bắc Cực, Kaliningrad và huy động hầu hết các loại vũ khí hiện đại.
Trong tuyên bố gần đây hôm 21/3, Đại sứ Nga tại Đan Mạch Mikhail Vanin cảnh báo một cách cứng rắn rằng hải quân Đan Mạch sẽ phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân nếu nước này tham gia hệ thống lá chắn của NATO. “Nếu điều này xảy ra thì các tàu chiến của Đan Mạch sẽ trở thành mục tiêu cho tên lửa hạt nhân của Nga”, ông tuyên bố.
Hệ thống lá chắn tên lửa của NATO được thiết lập năm 2010 và do Mỹ cầm trịch. Hệ thống này được dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2025, trong đó các nước thành viên có nghĩa vụ đóng góp radar và vũ khí để giúp bảo vệ châu Âu trước các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Bóng ma Chiến tranh Lạnh
Giới phân tích cho rằng Nga đang diễn tập cho một kịch bản xung đột quân sự quy mô lớn và toàn diện với phương Tây, đối thủ có thể gây hấn với Nga trên nhiều mặt trận. Ngày 18/3 khi Nga khởi động tập trận quân sự trên toàn quốc, giới chức trách Lithuania cho biết NATO đã triển khai lực lượng bảo vệ vùng trời Baltic để chặn các chiến đấu cơ của Moscow can thiệp vào không phận NATO.
Xem thêm căng thẳng Nga - phương Tây
Ông Timothy Ash, người đứng đầu mảng nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Ngân hàng Standard (Anh) cho rằng “việc xâm phạm vào biên giới các nước, chẳng hạn như Baltic, sẽ gây leo thăng căng thẳng vô cùng lớn và dẫn tới xung đột thực sự với NATO”.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg chia sẻ trên tờ Guardian rằng: “Ngày càng có nhiều các cuộc tập trận quân sự mang yếu tố bất ngờ và không hề có một dấu hiệu nào báo trước. Chúng ta cần phải phải giữ liên lạc các kênh thông tin quân sự để có những phản ứng hợp lý, tránh xảy ra bất hòa và để chắc chắn rằng mọi sự cố đều nằm trong tầm kiểm soát”.
Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Moscow, cũng phải thừa nhận “sự đối đầu mà chúng ta đang tham dự có có vẻ nguy hiểm như thời Chiến tranh Lạnh, tái hiện các mối quan hệ quốc tế giữa những năm 1940 và những năm 1980”.
Theo Trung tướng Leonid Ivashov, cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, việc Mỹ và NATO tiếp tục tăng cường hạ tầng quân sự gần biên giới Nga và tích cực mở rộng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa đã kéo mối quan hệ Đông - Tây vào một trạng thái căng thẳng mới với điểm đứt gãy khởi phát từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Tướng hồi hưu này cho rằng với tiềm lực quân sự hùng hậu và hiện đại sẵn có của mình, Nga không cần lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Song việc thiết lập vành đai quân sự ở Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Nam Á là hoàn toàn cấp bách, cho phép “gấu Nga” đạt được sự cân bằng sức mạnh trên diện rộng và có biện pháp đáp trả tương xứng trước các mối đe dọa ngày càng lớn và siết chặt từ bên ngoài.
Trong khi đó, chuyên gia Thomas Wright, Giám đốc Dự án chiến lược và trật tự quốc tế, và đồng nghiệp của ông là Jeremy Shapiro, cho rằng Mỹ và châu Âu đã lo lắng thái quá. Hai ông lý giải GDP của Nga chỉ bằng 12,5% GDP của Mỹ và 3,4% GDP toàn cầu. Dù Nga có đẩy mạnh tiềm lực quân sự cũng không thể đối trọng được với sức mạnh tổng lực của Mỹ và châu Âu cộng lại. Do đó, một sự thay đổi trật tự khu vực và thế giới, như phương Tây bấy lâu lo ngại trước sự lớn mạnh của Nga, là điều rất khó xảy ra.
Vũ Hà - Anh Minh