"Tôi nghĩ rằng Copenhagen không hiểu đầy đủ về hậu quả sẽ xảy ra nếu gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu", Đại sứ Nga tại Đan Mạch, Mikhail Vanin, viết trong bài xã luận trên nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten.
"Nếu điều này xảy ra, tàu chiến Đan Mạch sẽ trở thành mục tiêu cho tên lửa hạt nhân Nga", ông viết.
Nga từ lâu đã phản đối lá chắn tên lửa của NATO, hệ thống ra mắt năm 2010 và dự kiến hoạt động hết công suất vào năm 2025. Các nước thành viên của liên minh đóng góp radar và vũ khí để bảo vệ châu Âu trước các cuộc tấn công tên lửa. Đan Mạch cam kết cung cấp ít nhất một tàu khu trục được trang bị radar tiên tiến để theo dõi tên lửa.
Chủ tịch công tác đối ngoại của quốc hội Đan Mạch, Mette Gjerskov nói với AFP rằng bình luận của ông Vanin là "rất nguy hiểm và không cần thiết" vì lá chắn tên lửa là chỉ đơn giản là "hệ thống báo động có kẻ xâm nhập" và không gây nguy hiểm cho Nga. "Lời cảnh báo này không thay đổi thực tế là chúng tôi không lo sợ", bà nói thêm.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Martin Lidegaard nói rằng lời cảnh báo là "lời lẽ khoa trương không thể chấp nhận" và "hoàn toàn không tương xứng". "Không nên đưa ra lời đe dọa nghiêm trọng như vậy", ông nói thêm.
Căng thẳng giữa Nga và các nước Bắc Âu gia tăng trong những năm gần đây, khi có thông tin cho rằng không lực Nga tăng cường hiện diện trên khu vực Baltic.
Holger K. Nielsen, phát ngôn viên quốc phòng của Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Đan Mạch, phe phản đối Copenhagen tham gia lá chắn NATO, cho rằng ý kiến của đại sứ Nga "dựa trên giả định rằng chiến tranh đã nổ ra và trong trường hợp đó, Đan Mạch, với tư cách là nước thành viên NATO, sẽ là mục tiêu tấn công".
Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của NATO có trụ sở chính ở Ramstein, Đức kể từ năm 2012. Lá chắn còn gồm tên lửa phá tàu chiến của Mỹ ở Tây Ban Nha, hệ thống chống tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống radar trên tàu của một số nước thành viên và tên lửa đánh chặn ở Romania.
Phương Vũ