Thông tin về John Chau, 27 tuổi, du khách Mỹ thiệt mạng khi cố gắng đặt chân tới đảo Bắc Sentinel, thuộc quần đảo Andaman, đang được dư luận quan tâm. Nguyên nhân cái chết của Chau được cho là bị người dân trên đảo dùng cung tên bắn chết. Điều này khiến dư luận dồn sự quan tâm vào người Sentinel, một trong những bộ tộc cự tuyệt thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, theo New York Times, không phải người lạ nào cũng bị đe dọa đến tính mạng khi tiếp xúc với người Sentinel. Điển hình là cuộc gặp gỡ diễn ra vào năm 1991, dưới sự chỉ đạo của nhà nghiên cứu Trilokinath Pandit - người đứng đầu Trung tâm Khảo sát Nhân chủng học Ấn Độ tại khu vực quần đảo Andaman và Nicobar.
Trong ngăn kéo bàn làm việc, ông Pandit vẫn xếp cẩn thận những bức ảnh chụp lại khoảnh khắc lần đầu gặp gỡ người Sentinel. Dù những bức ảnh đã mờ theo thời gian nhưng nhắc lại kỷ niệm về lần tiếp xúc với bộ lạc tách biệt với thế giới đó, Pandit vẫn sáng lên một niềm vui và tự hào trong ánh mắt.
Pandit cho biết, khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu cuộc sống của người dân trên đảo, ông và đồng nghiệp đã mất hơn 20 năm mới có thể thuyết phục thổ dân hạ cung tên xuống để đón tiếp khách trong hòa bình. Quá trình này diễn ra chậm chạp nhưng chắc chắn, và với Pandit, mỗi một cuộc gặp là một sự đột phá mới.
Trước khi tìm cách tiếp cận với bộ lạc này, Pandit đã tham khảo kinh nghiệm từ phía chính quyền Ấn Độ. Ông không đồng tình với cách tiếp cận bạo lực, mang theo vũ khí như trước kia cảnh sát từng làm. Do vậy, ông nghiên cứu phương án làm quen với thổ dân trên đảo một cách ôn hòa. Và Pandit đã nghĩ tới cách tặng quà bằng việc thả xuống biển những món đồ để sóng đánh vào bờ và bộ lạc trên đảo Bắc Sentinel có thể nhận được. Một trong những món quà gặp mặt mà họ gửi đến chính là dừa và chuối.
"Họ cẩn trọng quan sát chúng tôi. Họ có vẻ không vui và đã giương cung tên lên", Pandit nhớ lại. Nhưng khi đoàn khách từ thế giới bên ngoài ném xuống biển một bao đựng dừa, các thổ dân đã tiến tới nhặt lấy như chấp nhận màn chào hỏi. "Họ đã chủ động tiếp cận chúng tôi. Điều đó thật khó tin", Pandit kể lại sự kiện đó với các đồng nghiệp người Mỹ.
Ông cho rằng cuộc gặp gỡ duy nhất thật tuyệt vời, vì đó là cuộc gặp của những người đến từ thế giới văn minh và những người sống nguyên thủy nhất.
Dân trên đảo vẫn sống bằng cách săn bắn, hái lượm như người cổ xưa từ khoảng 10.000 năm trước. Có rất ít hình ảnh về bộ lạc này, chủ yếu là hình chụp từ trên cao hoặc ngoài khơi do họ luôn quyết liệt chống trả khi có người cố gắng tiếp cận, từ các nhà thám hiểm châu Âu thời thuộc địa đến lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ. Người dân ở đây "đón" khách đến thăm hay những nạn nhân của các vụ đắm tàu, máy bay rơi bằng cung tên và mũi lao.
Tới nay, đây là cuộc gặp gỡ hòa bình duy nhất. Năm 1997, khi một đoàn khách lạ khác tìm cách tiếp cận đảo, họ đã nhận một màn mưa tên. Năm 2006, hai ngư dân đã bị người Sentinel giết treo xác lên cọc gỗ sau khi họ đi thuyền quá gần bờ để đánh cá trái phép.
Do việc tiếp cận địa điểm này vẫn còn rất nguy hiểm, chính phủ Ấn Độ thường không khuyến khích người dân tự ý đến đây.
Năm 1880, đoàn thám hiểm từ Anh, do M.V. Portman dẫn đầu, đã bắt cóc 6 người bản địa của hòn đảo, sau đó thả về những người bị ốm kèm theo quà tặng. Nếu không có cuộc gặp gỡ này, thế giới sẽ không hề biết đến tộc người Sentinel.
Vào những năm 1960, chính phủ Ấn Độ từng cố gắng thiết lập mối quan hệ với bộ lạc Sentinel. Những chuyến đi bắt đầu vào năm 1967 nhưng họ không làm được gì nhiều ngoài việc để lại quà hữu nghị trên đảo.
Năm 1981, máy bay của Primrose, hãng hàng không Panama, bị mắc kẹt trên các rạn san hô xung quanh hòn đảo này. Các thổ dân đã dội cơn mưa tên xuống đống hoang tàn của vụ tai nạn, trong khi phi hành đoàn phải đợi một tuần mới được giải cứu.