Các hãng công nghệ trên thế giới như Apple từ lâu đã lên kế hoạch sản xuất ôtô, Alphabet cũng có Waymo – đơn vị chịu trách nhiệm phát triển xe tự lái. Tuy nhiên, quy mô và tốc độ tham gia của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã đặt họ vào vị trí tiên phong. Ngành công nghiệp này hấp dẫn bởi ngày càng hiện đại hơi khi xoay trục khỏi động cơ đốt trong, với các cảm biến và hệ thống vận hành khiến ôtô trở nên giống máy tính hơn.
Trung Quốc đang dần định hình thành nơi thử nghiệm cho tham vọng của các Big Tech trong lĩnh vực sản xuất ôtô với các ông lớn từ Huawei tới Baidu. Họ đã đổ 19 tỷ USD vào các dự án được xem là tương lai của ngành vận tải - xe điện và xe tự lái. Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất, chiến trường quan trọng cho các loại xe sử dụng năng lượng mới. Các hãng xe truyền thống như Volkswagen và GM cũng đã phải hợp tác với startup ở nước này như Nio và Xpeng.
Tại triển lãm ôtô Thượng Hải tháng trước, khách đã xếp hàng, chờ vài tiếng để thăm khu vực trung bày của Huawei, Baidu. Dù được người tiêu dùng quan tâm, các ông lớn công nghệ vẫn còn nhiều việc phải chứng minh trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt của các loại ôtô mới.
Huawei gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào xe điện và công nghệ xe tự hành. Công nghệ này được Huawei tuyên bố đã vượt mặt Tesla ở một số khía cạnh.
Công ty được biết đến nhiều hơn với mạng lưới điện thoại di động và bị Mỹ trừng phạt này đã ra mắt chiếc xe đầu tiên phát triển cùng BAIC BluePark Mew Energy Technology. Chiếc sedan cỡ trung sử dụng phần mềm ôtô thông minh Huawei Inside cho phép tự lái trong các khu vực đô thị, với khả năng hoạt động hơn 1.000 km. Huawei dự kiến giao hàng từ quý cuối năm.
Một trong những thách thức lớn nhất của những cái tên mới tham gia thị trường ôtô, theo Bloomberg, là cần đầu tư nhiều vốn và tài nguyên để sản xuất xe. Thế nhưng, cách các hãng công nghệ dàn xếp sẽ là chìa khoá và mang đến cơ hội cho những doanh nghiệp lâu đời trong ngành như việc Huawei nhiều lần cho biết không có kế hoạch tự sản xuất xe. Thay vào đó, Huawei hợp tác với 3 hãng BAIC, Chongqing Changan và Guangzhou Automobile để cùng sản xuất xe tự lái đồng thương hiệu.
Chủ tịch Guangzhou Auto cho biết sẽ phát triển "một chiếc xe tự lái thực sự", được sản xuất vào năm 2024. Hãng xe này hợp tác với Huawei trong lĩnh vực dữ liệu lớn, buồng lái thông minh, phần cứng và chip.
"Trung Quốc có thêm 30 triệu ôtô mỗi năm và con số này đang tiếp tục tăng", Phó chủ tịch Huawei Eric Xu cho biết. Theo ông, ngay cả khi không phát triển ở thị trường nước ngoài, Huawei chỉ lãi trung bình 10.000 nhân dân tệ (1.550 USD) một xe tại Trung Quốc, thì đây cũng đã là một mảng kinh doanh rất lớn.
Apple dường như cũng đang cân nhắc lộ trình tương tự khi đã bàn bạc với nhiều nhà sản xuất xe trong đó có Hyundai. Tuy nhiên, không giống như các hãng công nghệ Trung Quốc, Apple giữ kín kế hoạch của mình. Hãng công nghệ Mỹ đã mất một lãnh đạo chủ chốt trong chương trình xe tự lái. Việc này chưa rõ có thể tác động thế nào đến tiến độ ra mắt một chiếc xe thương mại của Apple.
Sự gia tăng của các phương tiện thông minh và xe tự lái mang đến rất nhiều cơ hội cho các hãng công nghệ, đặc biệt là khả năng tiếp cận dữ liệu như thông tin thời gian thực về các điểm đến phổ biến. Trên hết, một số hãng có thêm cơ hội tính phí cho các công nghệ bổ sung, nâng cấp hệ thống bởi về cơ bản chiếc xe như một máy tinh liên tục được cập nhật phần mềm.
"Họ chắc chắn sẽ tập trung vào làm cho chiếc xe thông minh. Đó là điều các ông lớn công nghệ này giỏi. Doanh thu chính của họ sẽ không từ bán xe mà là dịch vụ sau bán như nâng cấp hệ thống qua mạng hoặc đăng ký phần mềm", Yale Zhang, giám đốc điều hành hãng tư vấn Autoforesight nhận định.
Baidu đầu tư vào công nghệ tự lái ngay từ năm 2013. Hãng này đã tiếp tục rốt vốn cho startup xe điện WM Motors. Hiện Baidu có kế hoạch chi 7,7 tỷ USD trong 5 năm tới để phát triển công nghệ xe thông minh thông qua hãng Jidu Auto mới thành lập. Theo CEO Xia Yiping, hãng đặt mục tiêu ra mắt xe đầu tiên trong 3 năm và các phiên bản tiếp theo trong 12 – 18 tháng.
"Giá trị cốt lõi của ôtô trong tương lai là mức độ thông minh của chúng. Công ty nào càng kiểm soát nhiều công nghệ tự phát triển, công nghệ tiên tiến hơn, họ sẽ có nhiều quyền lực hơn trên thị trường", Xia nói.
Jidu có đội ngũ cốt lõi khoảng 100 người và sẽ tăng lên khoảng 3.000 người vào cuối năm sau, trong đó có 500 kỹ sư phần mềm. Lô xe đầu tiên của Jidu sẽ dựa trên cấu trúc ôtô điện của Zhejiang Geely. Jidu sẽ hợp tác cùng Baidu để phát triển xe tự lái, đặc biệt tập trung vào ôtô thông minh và sản xuất hàng loạt các tính năng của xe tự hành. Doanh nghiệp này sẽ sớm gọi vốn thêm, với sự đầu tư từ Baidu và các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà sản xuất smartphone Xiaomi cũng thông báo kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD trong thập kỷ tới để làm xe điện. Tuy nhiên, Xiaomi chưa tiết lộ chi tiết và khung thời gian giao hàng. Nhà sáng lập Lei Jun hồi tháng 3 cho biết ý định lãnh đạo một bộ độc lập mới và dẫn đầu xu hướng phát triển xe điện. Ông nói đây là nỗ lực khởi nghiệp cuối cùng của mình.
"Chúng tôi có rất nhiều tiền cho dự án này. Tôi hiểu rõ những rủi ro của ngành ôtô. Tôi cũng biết rằng dự án này cần ít nhất 3-5 năm với số vốn đầu tư 10 tỷ USD", nhà sáng lập Xiaomi chia sẻ.
Giám đốc hãng tư vấn AlixPartners đánh giá các ông lớn công nghệ Trung Quốc vẫn có lợi thế, dù gia nhập lãnh thổ xa lạ đã muộn. "Đây không phải là lĩnh vực mà bạn đi đầu sẽ chiến thắng. Thực tế, trong ngành công nghiệp ôtô, người đi đầu tiên không bao giờ thắng. Người đi sau luôn thắng. Bởi khi bạn khởi xướng, bạn sẽ phải mất tiền để học hỏi thông qua các sai lầm", Dyer nói.
Anh Tú (theo Bloomberg)