Thượng tọa Thích Minh Quang (Phó Trụ trì chùa Tam Chúc, Hà Nam) kể lại, lúc đưa ra lời từ chối (vào năm 2007), Đức pháp chủ nói ngài muốn ở lại Tổ đình Viên Minh, tức chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).
"Ngài không muốn rời xa cuộc sống tu hành giản dị, gần với đồng quê xóm làng", Thượng tọa Thích Minh Quang nói và cho biết, Đức Pháp chủ dù hơn trăm tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn cho đến lúc ngài viên tịch.
Một trong những di nguyện của Đức Pháp chủ là không tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của phật tử.
"Cả cuộc đời ngài đã cống hiến trọn vẹn cho đạo pháp, cho dân tộc. Đại lão hòa thượng là tấm gương sáng ngời cho hàng hậu thế bất luận là đạo hay đời noi theo", Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu kính, tin tưởng vào Phật pháp nhiều đời, từ năm lên 9 tuổi, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ được song thân cho đến xuất gia với sư cụ Thích Đàm Cơ, trụ trì chùa Phúc Long, thôn Phú An, xã Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình) và được cho theo học chữ Nho.
Đến năm 18 tuổi, Đại lão Hòa thượng có duyên nhận Sư tổ Thích Quảng Tốn (trụ trì chùa Ráng) làm thầy, được Sư tổ dạy dỗ và chỉ bảo tận tình trong việc tu hành.
Sau quá trình tu học, hành đạo và hoạt động Phật sự, năm 1961, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ kế đăng làm trụ trì đời thứ ba Tổ đình Viên Minh khi Sư tổ Thích Quảng Tốn viên tịch, và làm Trưởng Sơn môn Đa Bảo từ đó cho đến nay.
Đi qua hơn một thế kỷ với cuộc đời tu hành 85 năm, trong đó phần lớn thời gian gắn bó với chùa Ráng, Đại lão hòa thượng là bậc cao tăng gần gũi, thân thuộc với người dân vùng Phú Xuyên.
Hai ngày qua (21 và 22/10), sau khi Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch, ông Trịnh Văn Chén (80 tuổi, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên) chạy qua chạy lại chùa Ráng để lo giúp chuyện tổ chức lễ tang. Mỗi lần nhìn di ảnh Đại lão Hòa thượng, ông Chén lại rưng rưng nước mắt.
Nhà ông Chén ở cạnh chùa Ráng, khi mới 8 tuổi, ông đã lần đầu được gặp hòa thượng Thích Phổ Tuệ và giữ mãi ấn tượng về một sư thầy cốt cách nhẹ nhàng, cách nói chuyện kiến thức uyên thâm mà dễ hiểu. Suốt bao nhiêu năm, ông Chén ngày ngày lui tới để phụ giúp việc vặt trong chùa. Ở thôn Quang Lãng, những người dân như ông Chén vẫn quen gọi Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ là cụ.
Với ông Chén, "cụ là người ham lao động chưa từng có". Thời còn hợp tác xã, hòa thượng Thích Phổ Tuệ tự tay dắt bò ra đồng cày bừa, nuôi thêm gà, lợn để tăng gia sản xuất. "Cụ tự làm tự ăn, cả cuộc đời không phiền hà tới bất cứ người nào", ông kể.
Sinh thời, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ trồng xung quanh khuôn viên chùa nhiều cây nhãn. Tới mùa, ngài nhờ người dân trong thôn tới bẻ và làm long nhãn rồi chia cho mọi người.
Bà Nguyễn Thị Hoa (72 tuổi, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên) cho biết Đại lão hòa thượng thuộc tên từng người dân địa phương mà cụ tiếp xúc. "Ngày trước, khi người dân cất nhà mới, bao giờ cũng mời cụ tới viết chữ nho và câu đối lên nóc. Nhà nào có người qua đời, cụ cũng đích thân đứng ra làm lễ khâm liệm, nhập quan. Với chúng tôi, ngài vừa là bậc cao tăng, vừa là một người thân thuộc trong gia đình", bà Hoa kể.
Nhiều năm trước, khi người dân địa phương và một số phật tử mọi miền ngỏ ý xây mới lại một số khu vực của chùa Ráng, "cụ nhất quyết không cho và nói rằng muốn giữ lại vẻ cổ kính của ngôi cổ tự".
Theo thầy Thích Nguyên Phong (Ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN huyện Thường Tín, Hà Nội), khi còn tại thế, Đức Pháp chủ luôn răn dạy đệ tử rằng, người xuất gia phải có trách nhiệm hiểu giáo lý của đạo Phật.
"Những lần tiếp xúc với hòa thượng, người không bao giờ đặt mình trên cương vị là Đức Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo VN để ứng xử với học trò. Ngài vẫn xưng chỉ cụ - cháu gần gũi giản dị", thầy Thích Nguyên Phong nói.
Trong suốt thời gian trụ trì chùa Ráng, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã làm ruộng để tự nuôi sống mình và dành phần nhiều thời gian để tu tập, đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nước nhà.
Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giai đoạn từ năm 1987 đến 2007, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã tham gia chủ trì hiệu đính Đại tạng kinh Việt Nam và tham gia các hoạt động Phật sự, đảm nhiệm nhiều chức vụ trong các cấp Giáo hội. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), ngài được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo VN, trở thành Đức pháp chủ thứ ba.
Từ đó đến nay, trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012), VIII (2017), Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn luôn được Đại hội suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo VN.
Am hiểu Tam tạng Thánh giáo và tinh thông kim cổ, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ là người có những đóng góp không nhỏ trong việc biên soạn, dịch thuật và trước tác các tác phẩm về Phật học ở Việt Nam như: Đại Từ điển Phật học; Đề cương kinh Pháp Hoa; Kinh Bách Dụ; Phật Tổ tam kinh; Phật học là tuệ học; Kinh Di Đà Viên Trung sao; Bát Nhã Dư Âm; Luật Tỷ Khiêu Ni lược ký.
Khi còn trụ thế, Đức pháp chủ từng nói "căn bản và đầu tiên của nghệ thuật trụ trì là phải gương mẫu"; "Gương mẫu trong lời nói, nhất là việc làm: ban vui cứu khổ, tha thứ, bao dung, chịu thương chịu khó, cần cù, giản dị, tiết kiệm, trường trai giữ giới, thanh tịnh là những điều không bao giờ cũ. Có vậy thì khi mang chân lý nhà Phật ra thuyết giảng người ta mới nghe, mới theo".
"Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc", trích di nguyện của Đức pháp chủ.
Theo thông báo của Hội đồng Chứng minh Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ viếng Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ diễn ra từ lúc 7h ngày 22/10 đến hết ngày 23/10.
Lễ truy điệu cử hành lúc 9h ngày 24/10. Sau đó, kim quan của Đại lão hòa thượng sẽ nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Viên Minh.
Phạm Chiểu