Theo cáo phó của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ viếng chính thức Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ lúc 7h ngày 22/10 đến hết 23/10. Lễ truy điệu được cử hành lúc 9h ngày 24/10.
Hôm qua (20/10), nhiều phật tử từ các nơi đã đến chùa Viên Minh (chùa Ráng) thăm hỏi sức khỏe Trưởng lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Bên trong khuôn viên chùa, các tăng ni lặng lẽ lau dọn đồ đạc. Căn phòng nhỏ hậu viên chùa, nơi Trưởng lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ được chăm sóc sức khỏe, nhiều sư thầy, phật tử ngồi tụng kinh.
Bà Đào Thị Phượng, 60 tuổi, quê huyện Khoái Châu (Hưng Yên), cho biết nghe tin thầy Thích Phổ Tuệ yếu nên sáng sớm 20/10 đã đi đò qua sông Hồng sang chùa Ráng. "Tôi thường đến chùa vào mỗi dịp lễ, thầy Thích Phổ Tuệ là vị cao tăng hiền lành, giản dị, mọi người đều kính trọng", bà Phượng xúc động nói.
Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn thư gửi tới các cơ quan chức năng tạo điều kiện để đoàn tăng ni, phật tử của Giáo hội từ TP HCM được di chuyển ra Hà Nội để thăm lo cho Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Đoàn gồm 17 thành viên trong chiều 19/10 xuất phát từ TP HCM tới chùa Viên Minh.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh năm 1917, tại thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông xuất gia năm 1923, tại chùa Quán, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Khi 8 tuổi, ông thụ Sa di giới (giới đầu tiên một vị tu sĩ được thọ nhận để tu học, gồm 10 giới); 20 tuổi thụ Đại giới Tỷ khiêu (hay còn gọi là Đại giới, gồm 250 giới với tăng) và Bồ tát giới tại chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) năm 1937.
Ông từng học ở hầu hết các sơn môn lớn thời bấy giờ như Tế Xuyên, Hương Tích... Sau đó, ông dừng chân tại Đa Bảo sơn môn. Năm 1961, ông kế vị thầy tổ, làm trưởng sơn môn thứ ba của sơn môn Viên Minh – Đa Bảo; tu hành ẩn cư tại làng Ráng, Phú Xuyên, Hà Nội.
Ở chùa, ông cùng môn đệ sống giản dị, thanh bạch, tự tay cày cấy, trồng lúa, làm vườn, dọn dẹp trong chùa.
Từ năm 1987 đến nay, ông giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, tháng 11/2007, đã thống nhất suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại lão hòa thượng để lại sự nghiệp dịch kinh sách đồ sộ, với các tác phẩm như: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát-nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập, Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần...
"Sư là khuôn mẫu, mô phạm của loài người, chí ít là trong một cộng đồng người. Nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì mà dạy người? Lấy gì làm gương tốt để mọi người noi theo?", Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ từng chia sẻ.
Nói về chùa, ông mong muốn đây không chỉ là nơi thờ Phật, Tổ, sinh hoạt tín ngưỡng "mà căn bản còn phải là trường học để giáo hóa thập phương đồng bào bỏ ác theo thiện, thấm nhuần giáo lý nhân quả, từ đó thúc đẩy sự tiến hóa của xã hội và nhân sinh".
"Là đệ tử Phật, theo Phật, chúng ta phải học và hành theo Phật. Ăn cơm, mặc áo của thập phương thiện tín, chúng ta phải cống hiến trả lại cho đời. Đó là lẽ tự nhiên, là luật nhân quả, chúng ta phải thường tự vấn, tự tỉnh về điều đó", Đại lão hòa thượng từng nói với các tăng ni.
Về trụ trì, Đức pháp chủ nói "căn bản và đầu tiên của nghệ thuật trụ trì là phải gương mẫu"; "Gương mẫu trong lời nói, nhất là việc làm: ban vui cứu khổ, tha thứ, bao dung, chịu thương chịu khó, cần cù, giản dị, tiết kiệm, trường trai giữ giới, thanh tịnh là những điều không bao giờ cũ. Có vậy thì khi mang chân lý nhà Phật ra thuyết giảng người ta mới nghe, mới theo".
Viết Tuân - Gia Chính