Tháng trước, SpaceX đã gửi đến Quốc hội Mỹ cảnh báo rằng nếu Nasa trao hợp đồng trị giá 10 tỷ USD để đưa người du hành lên Mặt trăng cho Blue Origin, điều này đồng nghĩa với việc "trao quyền lãnh đạo không gian cho Trung Quốc". Đáp lại, công ty của Jeff Bezos phản pháo SpaceX đang "dối trá" và mỉa mai "Elon Musk sợ gì cạnh tranh nhỏ".
Vụ "đấu tay đôi" trên là căng thẳng mới nhất trong cuộc đấu tranh âm ỉ và kéo dài giữa hai người đàn ông giàu có nhất thế giới: Jeff Bezos và Elon Musk.
Tháng 4/2021, SpaceX đã thắng được hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ Mặt trăng - một phần trong chương trình chinh phục vũ trụ Artemis của Mỹ. Việc một công ty tư nhân như SpaceX chiến thắng về hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ Mặt trăng được xem là bất ngờ. Trước đây, chỉ NASA mới có thể thực hiện các dự án như vậy. Ngay cả Blue Origin được hậu thuẫn bởi các tên tuổi Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper dù đã về nhất trong vòng đàm phán hợp đồng đầu tiên, cuối cùng vẫn thất bại. Ngoài Blue Origin, SpaceX cũng đánh bại một tên tuổi khác là Dynetics - nhà thầu quốc phòng có trụ sở tại Alabama.
Gần như ngay lập tức, Blue Origin và Dynetics đệ đơn phản đối lên Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO). Riêng phía công ty của Jeff Bezos cho rằng việc đưa người vào vũ trụ cần có nhiều hơn hai công ty, với lý do "bảo đảm an toàn của phi hành gia và lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ". Blue Origin thậm chí đã đi một bước xa hơn bằng cách vận động NASA nên trao hai hợp đồng cho cái được gọi là Hệ thống Hạ cánh cùng con người (HLS) - một trong những yếu tố then chốt của một tàu đổ bộ Mặt trăng.
Tuần trước, Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải Thượng viện Mỹ, đã lên tiếng ủng hộ Blue Origin. Bà đã yêu cầu bổ sung điều khoản mới vào Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Mỹ, trong đó cho rằng NASA phải trao hợp đồng thứ hai cho một công ty khác, đồng thời đề xuất rằng Quốc hội Mỹ nên chi 10 tỷ USD để tài trợ cho cả hai.
Dự luật do Cantwell đưa ra hiện bắt đầu được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu và thông qua hôm 9/6. Để trở thành luật, nó cần được Hạ viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Theo giới phân tích, Blue Origin gần như chắc chắn được hưởng lợi nếu luật chính thức có hiệu lực.
Quan trọng hơn, những thay đổi này đang cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Jeff Bezos ở chính trường Mỹ. Những năm gần đây, Blue Origin ngày càng chi nhiều tiền hơn cho chính phủ. Theo OpenSecrets.org, một chuyên trang theo dõi chi tiêu, Blue Origin đã chi gần 2 triệu USD để vận động hành lang năm ngoái, tăng hơn 400.000 USD so với 2015. Ủy ban hành động chính trị của công ty cũng đã tăng cường các khoản quyên góp, từ 22.000 USD vào năm 2016 lên 320.000 USD năm 2020.
Phía SpaceX cũng lập tức phản ứng. "Việc sửa đổi của Cantwell sẽ làm suy yếu quá trình mua sắm của chính phủ, 'thưởng' cho Jeff Bezos khoản chi 10 tỷ USD và sẽ đưa chương trình Artemis của NASA vào nhiều năm kiện tụng", đại diện SpaceX cho biết.
Cũng theo SpaceX, Blue Origin và các nhà thầu đã thua trong cuộc cạnh tranh HLS sau khi "đề xuất một giải pháp kém hơn với giá cao hơn gấp đôi giá trúng thầu". Công ty của Elon Musk cũng chỉ trích luật mới có thể vi phạm Đạo luật Cạnh tranh Mỹ.
Ngoài ra, đại diện SpaceX nhấn mạnh Blue Origin "đã không sản xuất một tên lửa hoặc tàu vũ trụ nào có khả năng bay lên quỹ đạo". Trước đó, công ty của Elon Musk đã đưa hai phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thành công.
Trong khi đó, Blue Origin cũng đáp trả theo ý đầy mỉa mai. "Elon Musk nhiều lần nói về giá trị của sự cạnh tranh, nhưng khi nói đến chương trình HLS của NASA, ông ta chỉ muốn tất cả cho riêng mình", đại diện Blue Origin nói.
Blue Origin cho rằng NASA cũng đang dành sự thiên vị cho SpaceX. Trong đơn kiện gửi lên GAO, Blue Origin cáo buộc NASA đã hạ cấp sai một số thiết kế kỹ thuật mà cơ quan này xem xét, phê duyệt và chấp nhận trước đó. Công ty nhấn mạnh, việc chỉ chọn SpaceX với hệ thống tàu vũ trụ Starship và tên lửa đẩy Super Heavy có thể có "độ phức tạp lớn" và "rủi ro cao".
NASA cho biết, cơ quan này rất muốn trao hai hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ Mặt trăng, nhưng chỉ có tiền cho một hợp đồng. SpaceX đã được chấp nhận giá thầu 2,9 tỷ USD do "phù hợp với ngân sách hiện tại của NASA".
Cũng theo cơ quan vũ trụ Mỹ, SpaceX cũng bị ràng buộc một số điều khoản khi trúng thầu, như không được đề xuất giảm giá tổng thể và không được thay đổi nội dung trong các đề xuất quản lý và kỹ thuật của mình. Cơ quan này cho rằng SpaceX trúng thầu do đạt điểm cao hơn Blue Origin về "xếp hạng quản lý".
Elon Musk và Jeff Bezos thành lập công ty về hàng không và vũ trụ của mình gần như vào cùng thời điểm: Blue Origin năm 2000, SpaceX vào 2002. Tuy nhiên, SpaceX đã tiến nhanh hơn và đạt nhiều thành tựu hơn. Công ty đã đưa tên lửa lên quỹ đạo vào năm 2008, sau đó giành được hợp đồng béo bở từ NASA và Lầu Năm Góc để vận chuyển hàng hóa và vật tư lên ISS. Kể từ năm ngoái, SpaceX cũng ba lần thực hiện các nhiệm vụ đưa người lên vũ trụ.
Blue Origin có tốc độ phát triển chậm hơn và cũng chưa đạt được nhiều thành tựu đáng kể dù đã thực hiện hàng chục cuộc thử nghiệm bay không người lái tại cơ sở của công ty nằm ở ngoại ô Texas. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Blue Origin sẽ phát triển mạnh hơn sắp tới do Jeff Bezos đã từ chức CEO Amazon và để tập trung cho tham vọng chinh phục vũ trụ của mình.
Blue Origin dự kiến đưa người vào vũ trụ bằng tàu New Shepard vào 20/7 tới đây, với sự tham gia của chính Jeff Bezos.
Bảo Lâm (theo Washington Post)