Chuyến bay dự kiến diễn ra ngày 20/7, chỉ 15 ngày sau khi ông chính thức từ chức CEO Amazon. Nhà sản xuất hàng không vũ trụ Blue Origin cho biết em trai của Jeff Bezos, Mark Bezos, cũng sẽ tham gia chuyến thám hiểm.
"Từ hồi 5 tuổi, tôi đã mơ ước được du hành vào không gian", Bezos, 57 tuổi, cho biết trong bài đăng trên Instagram hôm 7/6. "Vào ngày 20/7, tôi sẽ thực hiện cuộc hành trình đó với em trai tôi. Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất với người bạn thân nhất của tôi".
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, Bezos - người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 187 tỷ USD - sẽ là người đầu tiên trong số các tỷ phú ngành vũ trụ trải nghiệm công nghệ tên lửa do chính ông đầu tư phát triển. Ngay cả Elon Musk, sở hữu SpaceX với những tên lửa đủ mạnh để đi vào quỹ đạo Trái Đất, cũng mới chỉ công bố kế hoạch du hành vào vũ trụ trong tương lai. Trong khi đó, tỷ phú người Anh Richard Branson và công ty vũ trụ Virgin Galactic của ông đang lên kế hoạch thực hiện các chuyến bay tới không gian dưới quỹ đạo Trái Đất dành cho giới siêu giàu và cạnh tranh trực tiếp với Blue Origin. Branson từ lâu đã tuyên bố sẽ là một trong những hành khách đầu tiên trên chuyến bay phóng bằng tên lửa của Virgin Galactic, nhưng chuyến bay đó dự kiến diễn ra vào cuối 2021.
Chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của Blue Origin sẽ sử dụng khoang capsule 6 chỗ ngồi và được đưa ra ngoài không gian bằng một tên lửa đẩy có chiều dài hơn 17 mét. Tàu vũ trụ New Shepard sẽ mất khoảng 11 phút để đưa Jeff Bezos và em trai ra ngoài không gian ở độ cao 97.000 mét so với bề mặt Trái Đất.
Sau sáu năm thử nghiệm tên lửa và tàu vũ trụ New Shepard, tháng 5 vừa rồi, Blue Origin thông báo đang chuẩn bị đưa những hành khách đầu tiên vào New Shepard. Mặc dù chưa công bố giá cho một tấm vé bay vào vũ trụ là bao nhiêu, Blue Origin cho biết một ghế sẽ được trao cho người chiến thắng trong cuộc đấu giá kéo dài một tháng đang diễn ra. Giá thầu vào sáng 7/6 là 2,8 triệu USD nhưng đã đạt 3,2 triệu USD sau thông báo của Blue Origin.
Em trai của Bezos, Mark, trước đây từng là chủ một công ty quảng cáo và hiện là phó chủ tịch cấp cao tại Robin Hood, một tổ chức từ thiện của thành phố New York.
Blue Origin, được Bezos sáng lập năm 2000, đã thực hiện hàng chục cuộc thử nghiệm bay không người lái tại cơ sở của công ty nằm ở ngoại ô Texas. Ngoài New Shepard, Blue Origin cũng đang nghiên cứu phát triển một tên lửa có tên là New Glenn, nhằm đưa các vệ tinh thương mại và của chính phủ Mỹ lên quỹ đạo, cũng như có khả năng thực hiện các chuyến đi vào không gian sâu. Blue Origin cũng hy vọng sẽ được tham gia vào kế hoạch đưa con người trở lại mặt trăng của NASA vào năm 2024, mặc dù SpaceX đã ký được hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ mặt trăng để đưa các phi hành gia từ quỹ đạo mặt trăng xuống bề mặt. Blue Origin đang phản đối quyết định hợp đồng của SpaceX , mặc dù NASA đã thông báo công ty của tỷ phú Bezos vẫn đủ điều kiện đấu thầu để thực hiện các nhiệm vụ trên Mặt trăng trong tương lai.
Bezos đã gọi Blue Origin là "công việc quan trọng nhất mà tôi đang làm", mặc dù trước đây ông không công khai về việc cá nhân có muốn du hành vào không gian hay không.
"Tôi quan tâm đến không gian bởi vì tôi đam mê nó", Bezos cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi đã từng nghiên cứu nó và nghĩ về nó từ khi tôi còn là một cậu bé năm tuổi, nhưng đó không phải là lý do tôi theo đuổi công việc này. Tôi đang theo đuổi nó bởi tôi tin rằng nếu không, chúng ta cuối cùng sẽ kết thúc với một nền văn minh trì trệ, thứ làm tôi thấy rất nản lòng".
Đăng Thiên (theo CNN)