Elon Musk và Jeff Bezos hiện đứng nhất và nhì trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới với tổng tài sản hơn 350 tỷ USD. Cả hai đều đang điều hành các công ty có giá trị nhất thế giới: Tesla và Amazon. Tuy nhiên, khi mọi thứ trên Trái đất đang được chinh phục dễ dàng, cả hai bắt đầu nghĩ đến việc đưa trí tuệ của mình lên hành tinh khác.
Đối với Elon Musk, thông qua SpaceX, hàng loạt vệ tinh đã được phóng lên vũ trụ. Công ty cũng đã thành công trong việc đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và đang có tầm nhìn lớn hơn trong việc vận chuyển robot, hàng hóa, nhiên liệu và nhiều thứ khác lên không gian bằng tên lửa tái sử dụng.
Nhưng tham vọng nhất của Elon Musk là kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2026. Để bắt đầu, ông sẽ sử dụng một phần trong tổng số 3 tỷ USD hiện có của SpaceX, bao gồm 850 triệu USD huy động được từ các nhà đầu tư năm ngoái.
Musk từng nhiều lần bày tỏ tham vọng của mình về việc chinh phục sao Hỏa. Thậm chí, ông từng nói rằng mình có thể đi và về giữa hành tinh này với Trái đất nhiều lần, trước khi ở hẳn trên đó sau tuổi 70.
Còn đối với Jeff Bezos - người sẽ rời khỏi vị trí CEO Amazon cuối năm nay - Blue Origin sẽ là công ty mà ông muốn tập trung toàn bộ tâm trí và đẩy nhanh tốc độ phát triển. Hiện nay, thông điệp chính của Blue Origin là: "Trái đất chỉ là nơi chúng ta bắt đầu".
Tương tự SpaceX, Blue Origin đang nghiên cứu việc đưa người và hàng hóa lên vũ trụ bằng tên lửa tái sử dụng với mục tiêu mà theo Jeff Bezos là khả năng tiếp cận không gian với chi phí thấp. Điểm đến đầu tiên của Blue Origin sẽ là Mặt trăng. Tuy nhiên, mục tiêu xa hơn của công ty sẽ là các hành tinh khác.
Ý tưởng được đánh giá là "điên rồ" nhất mà Jeff Bezos đưa ra vào năm 2019 là tạo ra cái gọi là "thuộc địa không gian" - một kết cấu hình trụ lơ lửng trong không gian, có thể thích nghi với mọi loại môi trường và con người sẽ sống bên trong đó. Theo Bezos, đó là những kết cấu rất lớn, có thể dài hàng dặm và sẽ có một triệu người sinh sống trở lên. Hệ thống sẽ góp phần giảm tải về dân số cho Trái đất.
Việc Elon Musk và Jeff Bezos có tham vọng lớn để chinh phục vũ trụ đang nhận được sự quan tâm lớn từ truyền thông và nhiều người. Nhưng trước khi SpaceX và Blue Origin có những bước đi mang tính đột phá, Cơ quan Hàng không Vũ Trụ Mỹ (NASA) đã âm thầm nghiên cứu các hành tinh. Trong tuần này, NASA đã đạt được hai thành tựu ngoạn mục.
Đầu tiên, robot tự hành Perseverance đã đáp xuống miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa thành công vào tuần trước. Những hình ảnh sau đó được gửi về với độ chân thực và sắc nét đến nỗi có thể phóng to chúng và xem các vật thể như đất đá, thậm chí là bụi bám trên đó. Để có được những hình ảnh này, NASA đã tiêu tốn 2,7 tỷ USD cho sứ mệnh của mình. Mục tiêu của sứ mệnh là tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa cổ đại, thu thập mẫu vật và các nhiệm vụ khác.
Trước đó, NASA cũng đã triển khai sứ mệnh tìm hiểu sao Mộc bằng tàu thăm dò không gian Juno. Đi vào quỹ đạo sao Mộc từ 2016, tuần trước, tàu gửi những hình được đánh giá là chi tiết, chân thực và tuyệt đẹp nhất từng thấy về hành tinh này. Năm ngoái, tàu cũng gửi những hình ảnh khác về sao Mộc, được NASA đặt tên là "Vẻ đẹp tuyệt vời".
Trở lại tham vọng của Elon Musk và Jeff Bezos, có thể cả hai đang cảm thấy cuộc sống trên Trái đất "bấp bênh" và đang muốn tìm cách đi đến một nơi khác ngoài không gian. Tuy vậy, hai người đàn ông này chỉ là hai tiếng nói trong số hàng tỷ người trên Trái đất, nhiệm vụ khám phá và chinh phục không gian sẽ cần tới nỗ lực của NASA cũng như các cơ quan hàng không vũ trụ của các quốc gia và nhiều tổ chức khác.
Có ý kiến cho rằng thay vì đầu tư hàng tỷ USD cho du hành vũ trụ, các tổ chức và cơ quan trên toàn cầu nên dành số tiền đó cho các mục đích cải thiện cuộc sống trên Trái đất, đặc biệt là hạn chế các vấn đề về biến đổi khí hậu. Dù vậy, con người cần phải nghĩ xa hơn.
Như Phúc (theo New York Times)