Giữa thế kỷ 19, các ngân hàng tại Mỹ vẫn thường giữ tài sản trong các két tiền cỡ nhỏ làm bằng sắt và dùng chìa khóa để mở. Sau cơn sốt vàng năm 1849 tại Mỹ, nhiều người đào vàng tay trắng trở về đã chuyển sang cướp ngân hàng. Vì kích cỡ két sắt nhỏ, kẻ cướp có thể mang tới nơi vắng vẻ rồi dùng cuốc chim, búa hoặc rót thuốc nổ vào trong lỗ khóa để phá.
Nắm bắt nhu cầu cần két sắt an toàn hơn của ngân hàng, các nhà sản xuất bắt đầu thiết kế két to và nặng hơn, đồng thời bắt đầu sử dụng loại khóa tổ hợp (bắt đầu từ năm 1862) gồm nhiều đĩa khóa. Sau một thời gian, kẻ trộm phát hiện chúng có thể đập bay phần núm vặn rồi phá vào phần trục quay để làm hỏng ổ khóa. Những kẻ có kinh nghiệm hơn lại khoan lỗ vào cửa két để nhìn được bên trong ổ khóa, từ đó đoán được mật mã. Kẻ trộm cũng có thể bắt cóc nhân viên ngân hàng và đe dọa hoặc tra tấn họ ép phải mở két.
Để chống nạn bắt cóc, năm 1873, một người Mỹ tên James Sargent nối đồng hồ báo thức với ổ khóa tổ hợp để tạo ra loại khóa hẹn giờ. Với loại khóa này, chiếc két chỉ mở ra sau thời gian nhất định được hẹn trước, kể cả khi nhân viên bị ép tiết lộ mật mã. Sau khi khóa hẹn giờ được dùng rộng rãi, số vụ bắt cóc nhân viên nhà băng giảm đi đáng kể.
Sau đó, kẻ cướp lại quay về dùng vũ lực và phát triển nhiều công cụ để phá két. Ví dụ, chúng có thể nhét khối nêm bằng kim loại mỏng vào khe cửa, gõ cho khe này to ra rồi chuyển sang dùng các khối nêm khác với kích cỡ tăng dần. Khi khe hở đã đủ lớn, kẻ cướp dùng nó làm điểm tựa bẩy tung cửa.
Đối phó với thủ đoạn này, nhà sản xuất lại đưa ra thiết kế mới sao cho khe hở giữa cửa và thành két có dạng bậc thang khiến kẻ trộm không thể nhét dụng cụ vào để bẩy cánh cửa. Tuy nhiên, thiết kế bậc thang lại cho kẻ xấu có bề mặt phù hợp để rót nitroglycerin (chất dạng lỏng thường dùng trong thuốc nổ) vào và cho nổ tung cửa két. Trong vài thập kỷ tiếp theo, hàng trăm ngân hàng và công ty chịu bó tay trước nitroglycerin.
Đầu những năm 1900, nhà sản xuất két sắt bỏ thiết kế bậc thang, làm ra loại cửa dày, trơn láng, và thuôn dần vào trong. Thiết kế này tạo ra cánh cửa kín tới mức chỉ cần bản lề vướng mẩu giấy thuốc lá cũng đủ để ngăn cửa đóng lại. Từ đó, cánh cửa không còn khe hở để rót nitroglycerin vào.
Tới những năm 1920, hầu hết ngân hàng bỏ két cỡ nhỏ, chuyển sang dùng loại hầm chứa có kích cỡ như căn phòng để ngăn chặn kẻ cướp, đám đông giận dữ, hoặc thiên tai tự nhiên. Tường hầm chứa thường được xây bằng loại bê tông cốt thép dày khó bị khoan thủng, nhưng cửa hầm vẫn chịu thua trước loại phát minh mới là mỏ hàn khí axetilen, vốn có thể cắt thép dễ dàng bằng nhiệt độ 3.000 độ C. Chỉ riêng năm 1924, loại công cụ này được sử dụng trong hơn 200 vụ cướp ngân hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, mỏ hàn cắt này không tối ưu vì bình gas nặng, kẻ trộm nghiệp dư sẽ khó điều khiển ngọn lửa, đồng thời mũi hàn có thể đốt cháy tài sản bên trong hầm chứa. Để đối phó, nhà sản xuất tăng độ dày cửa hầm để kéo dài thời gian cắt, đồng thời gia cố chỗ yếu bằng hợp kim đồng vì đây là chất dẫn nhiệt tốt, có thể phân tán nhiệt độ của ngọn lửa hàn, ngăn không cho cửa bị nóng chảy. Một biện pháp an ninh khác là lắp đặt lọ chứa hơi cay, sẵn sàng bắn ra khi kẻ trộm đụng phải.
Nhiều hầm chứa của ngân hàng lắp đặt cơ chế phong tỏa cửa khi bị tấn công. Ví dụ, nếu có tác động mạnh khiến bộ phận thủy tinh bên trong cửa bị vỡ, các thanh lẫy trong cửa hầm sẽ được đẩy vào khung cửa, khóa cứng căn hầm. Tới lúc này, dù là chủ nhân của chiếc két cũng không thể mở hầm, chỉ có cách chờ chuyên gia tới.
Cũng nhờ những bước tiến về nguyên liệu và hệ thống báo động, số vụ trộm nhà băng giảm 75% vào cuối thập niên 1920. Tới thế kỷ 21, kẻ trộm có thể vượt qua cửa hầm chứa bằng mũi cắt oxy ("thermal lance") - vốn là ống thép có những thanh kim loại mỏng bên trong. Nếu được nối với nguồn oxy và châm ngòi bằng mỏ hàn cắt, mũi cắt này có thể cháy với nhiệt độ gần 4.500 độ C hoặc hơn, có khả năng làm tan chảy kim cương hay lá chắn tàu vũ trụ. Dù vậy, loại thiết bị này chưa bao giờ được sử dụng rộng rãi vì quá cồng kềnh và nguy hiểm.
Hiện, các nhà sản xuất hầm ngân hàng cũng luôn sát sao làm việc với ngành ngân hàng để bắt kịp thủ đoạn của kẻ trộm. Nhiều biện pháp an ninh mới không ngừng được ứng dụng như cảm biến chuyển động, cảm biến nhiệt, và hệ thống báo động để khắc phục điểm yếu của hầm chứa.
Quốc Đạt (Theo Smithsonian, Made How)