Giai đoạn cuối Thế chiến II, Liên Xô đã bí mật xây dựng thành phố Sillamae trên đống đổ nát của một thị trấn nhỏ trên lãnh thổ nước cộng hòa Estonia, từng là nơi giao trạnh ác liệt giữa Hồng quân và quân đội phát xít Đức.
Theo Slate.fr, Sillamae có một vẻ ngoài yên bình, êm ả giống như bao thành phố bình thường khác với những tháp chuông, nhà thờ, hồ nước..., tuy nhiên với đặc điểm địa lý là giàu đá phiến sét, đây là nơi được lãnh đạo Liên Xô Josept Stalin lựa chọn để triển khai các dự án sản xuất bom hạt nhân cực kỳ bí mật.
Ban đầu, rất nhiều công nhân và tù nhân được đưa đến đây để phục vụ việc xây dựng một nhà máy làm giàu uranium và sản xuất các hoạt chất phóng xạ khác. Sau đó, để đánh lừa các trinh sát cơ của Mỹ và đồng minh, chính quyền Liên Xô tiếp tục di chuyển hàng nghìn người dân cùng các nhà khoa học hạt nhân đến Sillamae để sinh sống.
Cuộc sống của các cư dân Sillamae giai đoạn này được đánh giá rất thoải mái với những chế độ đãi ngộ cao, thực phẩm ngon và phong phú, nền giáo dục tốt.
Đổi lại, sự tự do kết nối với thế giới bên ngoài của họ bị hạn chế đáng kể. Rất nhiều binh sĩ tuần tra trên đường phố, các tấm panô, biển báo với hàng chữ "khu vực cấm" xuất hiện khắp nơi. Các cư dân bên ngoài hầu như không có cơ hội vào được thành phố mà không xuất trình được giấy phép của cấp có thẩm quyền.
Các nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật làm việc tại Sillamae cũng không được phép rời thành phố. Đồng thời, hồ nước duy nhất vốn nổi tiếng trong xanh tại đây cũng bị dựng biển cấm tiếp cận do là nơi thải chất độc phóng xạ.
"Sillamae giống như một quốc gia trong một quốc gia", Aleksander Popolitov, người sáng lập bảo tàng của thành phố nói từng nói với truyền thông.
Ngoài ra, Sillamae cũng không hề xuất hiện trên bản đồ cũng như các hệ thống hành chính khác của Liên Xô. Đến năm 1957, dân số thành phố đã lên đến 10.000 người, nhưng người dân không được phép tiết lộ tên thành phố, mọi hoạt động thư từ, liên lạc đều được thực hiện dưới tên gọi "Thành phố Leningrad 1 hoặc Narva 1".
Năm 1991, khi Estonia trở thành một quốc gia độc lập, nhà máy này đã bị đóng cửa. Nhiều kỹ sư và công nhân bị mất việc làm vẫn tỏ ra rất luyến tiếc về một cuộc sống sung túc dưới thời Liên Xô.
Năm 2009, một dự án cải tạo cho hồ nước của Sillamae cho thấy 6 triệu m3 chất thải phóng xạ đã được đổ xuống hồ trong giai đoạn phồn thịnh nhất của thành phố. Nhưng điều này cũng không thể buộc người dân rời bỏ Sillamae, bởi đơn giản thành phố đã trở thành quê hương và là nơi chứa đựng những kỷ niệm về quá khứ sung túc của họ.
Xem thêm: 'Thành phố ma' còn lại ở nơi IS đi qua.
Nguyễn Hoàng