Rạng sáng 30/4, thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido thực hiện nước cờ táo bạo: ông xuất hiện trong một video, đứng cạnh các binh sĩ ủng hộ mình trước căn cứ không quân La Carlota ở thủ đô Caracas, tuyên bố cuộc nổi dậy mang tên "Chiến dịch Tự do" bắt đầu.
Đứng cạnh ông là Leopoldo Lopez, nhà hoạt động đã bị chính quyền Maduro quản thúc tại gia vì dẫn đầu lực lượng chống chính phủ năm 2014, hiện là cố vấn chính trị của Guaido. Guaido tuyên bố rằng thời cơ đã đến và kêu gọi quân đội quay lưng với Tổng thống Nicolas Maduro.
Ngay sau đó, đụng độ nổ ra giữa các binh sĩ bên trong căn cứ La Carlota và lực lượng ủng hộ Guaido, gồm phần lớn là dân thường và vài chục binh sĩ đào ngũ được trang bị vũ khí.
Với việc tấn công vào căn cứ quân sự La Carlota ở thủ đô, phe đối lập hy vọng tạo tiếng vang bằng một hành động mang tính biểu tượng, kích động cả những người lính lẫn dân thường chấm dứt sự cầm quyền của Maduro.
Trên đường phố, lực lượng an ninh Venezuela sử dụng xe bọc thép, hơi cay và đạn cao su để chống lại đám đông bạo lực, khiến hơn 100 người bị thương. Người biểu tình cáo buộc quân đội đã sử dụng đạn thật nhưng không đưa ra được bằng chứng.
Sau buổi trưa, Guaido dẫn đầu nhóm biểu tình về phía tây Caracas nhưng cuộc tuần hành cuối cùng phải giải tán khi đụng độ tiếp tục xảy ra và quân đội phát thông điệp cứng rắn rằng họ sẽ sử dụng biện pháp bạo lực nếu người biểu tình kéo tới Dinh Tổng thống Miraflores.
Cuối cùng, kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro bằng một cuộc binh biến kết hợp biểu tình quy mô lớn của Guaido đã phá sản hoàn toàn. Vào cuối ngày, Maduro phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp, tuyên bố đã đánh bại cuộc đảo chính, đồng thời cảm ơn các lực lượng vũ trang vì đã "trung thành tuyệt đối" với ông.
Tuy nhiên, sự kiện này cũng hé lộ sự chia rẽ trong lực lượng vũ trang Venezuela. Trong khi các lãnh đạo cao nhất của quân đội duy trì ủng hộ với Maduro, nhiều sĩ quan cấp trung và cấp thấp sẵn sàng thách thức các chỉ huy của họ và đứng về phe đối lập.
"Tôi nghĩ rằng kết quả chung cuộc là cả chính phủ và phe đối lập đều nhận ra rằng họ không mạnh như họ nghĩ", Geoff Ramsey, nhà phân tích tại nhóm nhân quyền có tên Văn phòng Washington về Mỹ Latin, nói.
Mỹ, Canada, Australia, Tây Ban Nha và nhiều nước Mỹ Latin ủng hộ Guaido, trong khi Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba và Bolivia đứng về phía Maduro.
Những tuyên bố được các quan chức cấp cao của Mỹ đưa ra ngay sau khi cuộc đảo chính được tiến hành cho thấy Washington đã nghĩ rằng kế hoạch này sẽ thành công.
Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trên chương trình của CNN rằng Maduro và các lãnh đạo cấp cao của Venezuela chuẩn bị bay sang Cuba vào sáng 30/4 và "một chiếc máy bay đã đợi sẵn trên đường băng". Tuy nhiên, Pompeo cho biết Nga, đồng minh của Maduro, sau đó thuyết phục ông ở lại. Nga đã lập tức lên tiếng bác bỏ, cho rằng đây là "tin giả" trong chiến tranh thông tin của Mỹ nhằm làm nhụt nhuệ khí quân đội Venezuela.
John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, tiết lộ rằng ba quan chức hàng đầu trong chính phủ Maduro đã cam kết chuyển giao quyền lực cho Guaido. Ông xác định họ là Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez, Chánh án Tòa án Tối cao Maikel Moreno và Rafael Hernandez Dala, chỉ huy lực lượng cận vệ của Maduro. "Tất cả đều đồng ý rằng Maduro phải rời ghế", Bolton nói.
Tuy nhiên, cả Padrino và Moreno ngay sau đó đều công khai lên tiếng ủng hộ Maduro. Chiều 30/4, Padrino phát biểu trên truyền hình, gọi hoạt động của lực lượng ủng hộ Guaido là "cuộc đảo chính hạng xoàng".
Trong tuyên bố chiến thắng tối 30/4, Maduro lên án Guaido và Lopez, những người mà ông coi là con rối của Mỹ. Ông tuyên bố rằng phe đối lập không kiểm soát được căn cứ quân sự mà đã "dễ dàng bị đánh bại bởi những người lính trung thành" ở đó.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến thắng. Đại nghiệp của chúng ta là bảo vệ đất nước", ông nói và bác bỏ phát ngôn của Pompeo rằng ông đã định bay đến Cuba.
Rocio San Miguel, nhà phân tích an ninh ở Caracas, cho biết Guaido đã thu hút được hàng chục vệ binh quốc gia ủng hộ mình nhưng thất bại trong việc xúi giục phần lớn thành viên lực lượng vũ trang, nhất là các tướng lĩnh cấp cao, đổi phe.
"Họ tiến hành chiến dịch trong 12 giờ nhưng chúng ta không thấy cán cân sức mạnh thay đổi", San Miguel nói. "Cuối cùng, điều họ nhận được là không có chỉ huy cấp cao nào của quân đội tham gia phe đối lập".
Nhưng bà nói thêm rằng lực lượng của Maduro đã không bắt cả Guaido và Lopez, một phần có thể do lo ngại về nguy cơ bị phản ứng dữ dội khi giam các thủ lĩnh đối lập nổi tiếng. "Tình huống này cũng không dễ dàng đối với Maduro", bà nói.
Phát biểu trước người ủng hộ tại Caracas, Maduro ngày 1/5 tuyên bố ông sẽ tổ chức "ngày đối thoại" vào cuối tuần, kêu gọi người ủng hộ đưa ra các đề xuất để "sửa chữa sai lầm" của chính phủ và đối phó với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt. Đây dường như là nỗ lực xoa dịu công chúng trước tình hình kinh tế khó khăn của đất nước.
Venezuela lâm vào suy thoái kinh tế trầm trọng từ khi Maduro nắm quyền năm 2013. Chi phí nhu yếu phẩm, thực phẩm, thuốc men vượt quá khả năng trang trải của người dân, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm tăng vọt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính lạm phát sẽ đạt 10 triệu % trong năm nay.
Lopez và gia đình vào sứ quán Chile ẩn náu vào tối 30/4 và sau đó chuyển đến sứ quán Tây Ban Nha vào sáng 1/5. Guaido tuyên bố rằng các cuộc biểu tình sẽ được tổ chức mỗi ngày cho đến khi Maduro rời ghế. Một người chết và 46 người bị thương trong cuộc biểu tình ngày 1/5.
Dimitris Pantoulas, nhà phân tích chính trị ở Venezuela, nói rằng rất khó đoán tương lai chính trị của Venezuela. Maduro đã không bắt Guaido để buộc ông phải chấm dứt thách thức quyền lực, nhưng bằng cách buộc Lopez phải ẩn náu, ông cũng không cho Guaido đạt được lợi thế là có thêm một đồng minh sát cánh để thu hút thêm người ủng hộ. "Không bên nào gây được áp lực với bên kia", Pantoulas nói.
Trong bối cảnh bế tắc chính trị đó, giới quan sát nhận định rằng đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng vẫn là dân thường Venezuela, khi nền kinh tế đất nước tiếp tục suy thoái vì các lệnh cấm vận khắc nghiệt mà Mỹ vừa áp đặt.
Phương Vũ (Theo NYTimes)