Cơ quan quản lý Trung Quốc hồi tháng 8 mạnh tay dẹp loạn ngành giải trí và văn hóa thần tượng ở giới trẻ. Hành vi trên mạng của người hâm mộ showbiz bị xem là biến tướng. Một số người nổi tiếng trong giới, liên quan đến hành vi trốn thuế hay lạm dụng sức ảnh hưởng gây hại đến người khác, bị "phong sát" trên mọi nền tảng trực tuyến lẫn xử lý thực tế bằng quy định pháp luật.
Không chỉ dừng lại ở "văn hóa thần tượng", giới chức Trung Quốc đang mạnh tay chấn chỉnh các lĩnh vực văn hóa khác. Kể từ ngày 1/9, các trò chơi điện tử trực tuyến ở Trung Quốc phải giới hạn thời gian chơi cho người dùng vị thành niên còn 40 phút đến ba tiếng mỗi tuần. Trong thông báo về lệnh hạn chế này, Cục Xuất bản và Phát hành Quốc gia Trung Quốc (NPPA) nhấn mạnh thông điệp "Thanh thiếu niên là tương lai tổ quốc".
Biện pháp siết chặt này đã được giới chức Trung Quốc đánh tiếng từ trước. Nhật báo Thông tin Kinh tế, trang thuộc hãng thông tấn nhà nước Xinhua, hồi đầu tháng 8 kịch liệt phê phán trò chơi điện tử là "thuốc phiện tinh thần" và đề xuất siết chặt quản lý với người dùng thanh thiếu niên. Bài đăng sau đó bị gỡ trong vài tiếng rồi xuất hiện trở lại, nhưng lược bỏ phần ví von được cho là "nặng nề".
"Cách dùng từ thuốc phiện tinh thần là đặc biệt nghiêm trọng. Không có gì bất ngờ nếu các nhà quản lý hành động", Ke Yan, chuyên viên phân tích cho hãng nghiên cứu thị trường DZT, nhận định.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần công khai lo ngại trẻ em chịu tác động tiêu cực đến học hành và phát triển lối sống nếu dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử.
Hai năm trước, Trung Quốc từng ban hành chính sách giới hạn thời gian chơi điện tử cho trẻ em. Hạn mức được áp dụng vào năm 2019 đối với người dùng thanh thiếu niên là 1,5 tiếng mỗi ngày, tương đương 10,5 tiếng mỗi tuần.
NPPA khi đó giải thích đây là biện pháp nhằm định hướng các công ty trò chơi điện tử ưu tiên lợi ích xã hội, "bao gồm hạn chế một cách hiệu quả thực trạng nghiện game, lạm dụng quá mức trò chơi điện tử và những hành vi khác", đồng thời bảo vệ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của thanh thiếu niên, vốn được đề ra trong các chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo giới quan sát, quyết định hạn chế thời gian chơi game của trẻ em xuất phát từ các lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh. Quy định giảm thời gian chơi game của trẻ vị thành niên xuống ba tiếng mỗi tuần chỉ là bước tiến mới nhất trong chính sách đã được Trung Quốc định hình trong vài năm qua.
"Những diễn biến vừa qua ở Trung Quốc dường như là một phần nỗ lực đặt chính phủ vào vị trí tiên phong và trung tâm trong mọi khía cạnh đời sống người dân", Paul Haswell, giám đốc mảng công nghệ, truyền thông và thông tin liên lạc khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho hãng luật Pinsent Masons, nhận định.
Nỗ lực "điều chỉnh văn hóa" của chính phủ Trung Quốc đang diễn ra nhanh và quyết liệt hơn trên hàng loạt phương diện. Khoảng một tháng trước, Bắc Kinh đã "khai tử" ngành dạy thêm trực tuyến trị giá hàng tỷ USD. Chính phủ quy định mọi dịch vụ thuộc nhóm này phải hoạt động phi lợi nhuận. Hồi đầu năm, ông Tập từng cảnh báo ngành dạy thêm trực tuyến có xu hướng trục lợi tâm lý lo âu ở phụ huynh về thành tích học tập của con cái.
Hàng loạt vấn đề xã hội khác đang được cơ quan quản lý Trung Quốc nhắm đến như bất bình đẳng, tình trạng thu nhập "cao quá mức" hay giá bất động sản nhảy vọt.
Tài khoản WeChat Li Guangman gần đây đăng bài bình luận gọi chiến dịch "dẹp loạn" này là một "cuộc cách mạng sâu rộng" trên toàn quốc, cảnh báo bất cứ ai chống lại cũng sẽ bị trừng phạt.
"Đây là cuộc chuyển đổi từ việc lấy tư bản làm trung tâm sang lấy con người làm trung tâm", Li Guangman, người tự nhận là cựu biên tập viên một đơn vị xuất bản nhà nước, tuyên bố. "Bởi vậy, đây là một sự thay đổi chính trị, với người dân trở thành bộ phận chính, còn những kẻ cản đường sẽ bị gạt sang một bên".
Li nhận định Trung Quốc đang trở về với "bản chất của chủ nghĩa xã hội" và thị trường nước này sẽ không còn là "thiên đường cho giới tư bản muốn giàu lên sau một đêm". Tác giả còn cho rằng thị trường văn hóa không phải vùng đặc cách cho giới sao giải trí, đồng thời công chúng không thể tiếp tục "tôn thờ" văn hóa phương Tây.
"Chúng ta cần kiểm soát tình trạng hỗn mang văn hóa và xây dựng một nền văn hóa sinh động, lành mạnh, mạnh mẽ và vị nhân sinh", người này nhấn mạnh.
Một loạt cơ quan truyền thông nhà nước như People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hãng thông tấn Xinhua, CCTV, Nhật báo Quân giải phóng... đều dẫn lại bài đăng này.
Theo giới quan sát, phía sau cuộc chiến văn hóa mới ở Trung Quốc là những nỗi lo thực tế hơn của giới hoạch định chính sách, như tương lai nguồn lao động, bức tranh kinh tế và kiểm soát xã hội.
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn đảm bảo lực lượng lao động kỹ thuật cao cho tương lai. Lực lượng lao động trẻ trong thập niên qua có dấu hiệu thu hẹp vì tình trạng dân số già. Chính phủ Trung Quốc có thể lo ngại xu hướng này cộng hưởng với tình trạng người trẻ Trung Quốc dành quá nhiều thời gian cho giải trí và tiêu dùng, tác động tiêu cực đến năng lực sản xuất chế tạo và những ngành công nghệ cao trong diện ưu tiên chiến lược.
Thông báo ngày 30/8 của NPPA đề cập cụ thể mục tiêu "nuôi dưỡng thế hệ mới cho kỷ nguyên chấn hưng quốc gia". Theo bình luận viên Tim Culpan của Bloomberg, những bước can thiệp tiếp theo vào đời sống và giáo dục thanh thiếu niên Trung Quốc sẽ hướng đến thể thao, giải trí, năng lực thể chất và hoạt động hội nhóm. Mọi hình thức giáo dục ngoài học đường hay trò chơi điện tử có thể được tái quy hoạch xoay quanh tinh thần yêu nước và lợi ích chung toàn xã hội.
Paul Haswell cũng cho rằng cơ quan quản lý Trung Quốc nhìn nhận trò chơi điện tử cũng tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, khi các cuộc trao đổi trực tuyến giữa người chơi khó giám sát hơn nền tảng mạng xã hội.
Từ năm 2018, Trung Quốc đã thành lập một ủy ban chuyên trách đánh giá "các vấn đề đạo đức" của trò chơi điện tử trực tuyến. Ủy ban này tập trung yêu cầu các nhà phát hành và cung cấp dịch vụ game tuân thủ lập trường chính thức của Trung Quốc trong nhiều vấn đề chính trị, nhân quyền và đối ngoại.
Chiến dịch chấn chỉnh "văn hóa thần tượng" và người nổi tiếng của Trung Quốc gần đây trái ngược với quan điểm của Bắc Kinh cách đây một năm. Truyền thông nhà nước hồi năm ngoái từng ca ngợi "văn hóa thần tượng" đã giúp lan tỏa "năng lượng tích cực", với dẫn chứng là một câu lạc bộ người hâm mộ được thành lập năm 2019 liên quan đến một nhân vật hư cấu chuyên bảo vệ chính sách của Bắc Kinh đối với vấn đề Hong Kong.
Tuy nhiên, Hung Huang, một blogger nổi tiếng ở Bắc Kinh, cho rằng giới chức gần đây nhận ra rằng một số thứ đã vượt tầm kiểm soát, với sự tham gia của công nghệ, và họ cần có biện pháp hành động.
"Tôi cho rằng những vấn đề mà Trung Quốc và các nước khác đối mặt đều như nhau, đó là tiến bộ công nghệ đã vượt qua biện pháp quản lý", Hung nói. "Cơ quan chức năng khó bắt kịp với những thay đổi trong công nghệ mới. Các câu lạc bộ thần tượng về cơ bản là một công nghệ mới và là một 'quái vật nhỏ' được mạng xã hội tạo ra".
Lời cảnh báo này được nhắc lại trong bài xã luận trên People's Daily cuối tuần trước, nhắm đến các nghệ sĩ nổi tiếng. "Nếu bạn muốn theo đuổi nghề diễn, bạn phải luôn tuân thủ luật pháp và giữ đạo đức nghề nghiệp", bài viết có đoạn. "Nếu không, một khi chạm vào lằn ranh đỏ của luật pháp và đạo đức, bạn cũng sẽ chạm tới đoạn kết sự nghiệp của mình".
Trung Nhân (Theo Bloomberg/AP/Financial Times/NYTimes)