"10 năm thanh xuân của tôi đã mất", thiếu nữ 17 tuổi người Thâm Quyến nói. "Sau này tôi sẽ không bao giờ thích hay làm fan của một ngôi sao nào khác".
Nini là một trong những người hâm mộ Ngô ở Trung Quốc, những người đã tôn thờ ca sĩ kiêm diễn viên kể từ khi anh ra mắt với tư cách thành viên nhóm nhạc K-pop EXO năm 2012 rồi sau đó rời nhóm, về Trung Quốc hoạt động.
Cô dành vô số giờ theo dõi Ngô trên mạng và đến xem các sự kiện trực tiếp. Cô nghe nhạc và chi hết khả năng để mua các sản phẩm Ngô Diệc Phàm quảng cáo để ủng hộ thần tượng.
Vụ bắt Ngô đã gây chấn động trong cộng đồng người hâm mộ của anh và cả ngành công nghiệp giải trí. Đây được coi là bước ngoặt trong nỗ lực của giới chức bắt đầu vào tháng 6 nhằm nhằm kiềm chế các công ty quản lý ngôi sao, câu lạc bộ người hâm mộ và các mạng xã hội đã trở nên có ảnh hưởng lớn trong giới trẻ những năm gần đây.
Kể từ hai tháng trước, Cục quản lý Mạng Trung Quốc đã xóa hơn 150.000 "tin nhắn có hại", đóng hơn 4.000 tài khoản mạng xã hội và loại bỏ ít nhất 39 ứng dụng di động.
Cuối tuần trước, Weibo, mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc, thông báo loại bỏ "Bảng xếp hạng quyền lực minh tinh" - một trong những "chiến trường" ảo quan trọng nhất để fan thể hiện tình yêu và sự ủng hộ của họ đối với các ngôi sao. Weibo giải thích bảng xếp hạng bị xóa "để đảm bảo sự phát triển có trật tự của cộng đồng và giúp người hâm mộ theo đuổi ngôi sao lý trí".
Các động thái trong hai tháng qua là một phần nỗ lực nhằm kiềm chế văn hóa fan cuồng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đó là thế giới mà Melody Zhou, học sinh trung học 16 tuổi ở Quảng Châu, cùng những fan khác cố gắng quảng bá cho ngôi sao mà cô yêu thích.
Giống như Nini, Melody đã dành hàng nghìn giờ trên các trang web như Weibo để bảo vệ thần tượng bằng cách đăng bình luận khen ngợi và đôi khi công kích các đối thủ của anh. Những màn "fan chiến" như vậy đã góp phần không nhỏ vào lượng truy cập khổng lồ của Weibo.
Những người hâm mộ như Nini và Melody không hành động một mình, họ thường làm theo những gì mà các fan có sức ảnh hưởng trong câu lạc bộ người hâm mộ, thường được gọi là "đại fan", yêu cầu.
Summer Song, người điều hành một doanh nghiệp "nuôi fan" ở Bắc Kinh, cho biết nhiều "đại fan" được trả công. "Chúng tôi biết 'đại fan' của tất cả ngôi sao hàng đầu. Chúng tôi làm việc với các thương hiệu để tạo tiếng vang cho các ngôi sao thông qua các sự kiện. Đây là ngành kinh doanh lớn và bạn có thể kiếm tới 200.000 NDT (30.840 USD) ngay cả với một sự kiện nhỏ", Song cho biết. "Đôi khi tôi trả cho các 'đại fan' hơn 100.000 NDT để quảng bá cho một sự kiện".
"Đại fan" khuyến khích người hâm mộ đăng bình luận, tăng lượng truy cập và quảng bá cho hoạt động của các thương hiệu trên các trang web và nền tảng, đồng thời thúc đẩy sự nổi tiếng của các ngôi sao.
"Nếu fan của các ngôi sao cãi nhau trên mạng, điều đó thật tuyệt vời vì bạn không phải lo lắng về lưu lượng truy cập, các thương hiệu thậm chí sẽ trả nhiều tiền hơn", Song nói.
"Tôi thấy việc tôn thờ ngôi sao giống như một nhà tù, người ở bên trong không thể nhìn thấy những gì đang xảy ra bên ngoài, những gì họ nói ra khác với những gì họ thực sự tin tưởng", Song nói thêm.
"Trong mắt người hâm mộ, thần tượng của họ hoàn hảo, họ không chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích nào về thần tượng. Nhưng các 'đại fan' sử dụng họ như lao động miễn phí và kiếm lợi nhuận từ họ, trong khi người hâm mộ nghĩ rằng những gì họ làm là để giúp ngôi sao tăng độ nổi tiếng và giá trị thương mại".
"Sự sụp đổ hình tượng của Ngô có thể báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên vàng của 'các đỉnh lưu'" (ngôi sao có lượng fan hâm mộ hàng đầu), Song nhận xét.
Tuy nhiên, Melody tin rằng việc theo đuổi ngôi sao đã khiến cô trở thành người tốt hơn. "Nó tác động tích cực đến tôi, khiến tôi hiểu rằng thành công đến từ làm việc chăm chỉ và kỷ luật", Melody nói.
Chen Chun, nhà nghiên cứu tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, cho biết văn hóa hâm mộ ngày nay có thể bắt nguồn từ cuộc thi âm nhạc Super Girl năm 2004, phiên bản Trung Quốc của chuỗi chương trình Pop Idol nổi tiếng toàn cầu.
Theo Chen, trào lưu theo đuổi ngôi sao được hình thành bởi sự trỗi dậy của văn hóa các nhóm nhạc nam ở Hàn Quốc và Nhật Bản, các chương trình truyền hình thực tế và sự bùng nổ internet ở Trung Quốc. Nó cũng chịu tác động từ nỗ lực xử lý của các cơ quan quản lý trước tình trạng tham nhũng và gian lận thuế phổ biến trong ngành giải trí trong thập kỷ qua.
Chen cho biết bê bối của Ngô cho giới chức lý do để tiếp tục quản lý văn hóa fan. "Văn hóa hâm mộ hiện tại có liên quan đến việc giới chức đã hạn chế không gian văn hóa và kiểm duyệt các hoạt động văn hóa, chủ yếu kể từ năm 2012", Chen nói. "Những người trẻ tuổi giàu cảm xúc không có nơi nào để phát triển sở thích nên họ theo đuổi các ngôi sao".
Lu Pin, nhà hoạt động xã hội và là người sáng lập Tổ chức phi chính phủ Tiếng nói Nữ quyền, cho biết chính quyền đã cho phép văn hóa hâm mộ phát triển trong thập kỷ qua vì nó nhìn chung phi chính trị và có thể thúc đẩy lòng yêu nước trong giới trẻ.
Các bài đăng thúc đẩy lòng yêu nước của đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan ngôn luận của chính phủ như People's Daily có thể thu hút hàng trăm triệu bình luận từ fan, sau khi được những người nổi tiếng chia sẻ.
Chen bày tỏ nghi ngờ liệu giới chức Trung Quốc có đạt được mục tiêu kiềm chế văn hóa fan hay không, vì xã hội nào cũng cần giải trí và có một lượng tiền khổng lồ liên quan đến ngành này.
"Có hàng chục triệu fan của các ngôi sao và hàng tỷ USD đằng sau ngành này", Chen nói. "Fan tôn thờ các thần tượng, nhưng đứng sau thần tượng là các công ty lớn và quyền lực. Giới chức lo lắng điều đó có thể gây nguy hiểm cho ổn định xã hội".
Lu nhấn mạnh người trẻ cần có nơi để thể hiện bản thân. "Mọi quốc gia đều cần giải trí. Việc kiềm chế fan theo đuổi ngôi sao sẽ không giải quyết được vấn đề", cô nói.
Phương Vũ (Theo SCMP)