Eliud Kipchoge là VĐV chạy marathon nhanh nhất trong 5 năm, với lần đầu lập kỷ lục thế giới tại Berlin 2018 rồi tự phá với 30 giây nhanh hơn cũng ở giải major này năm 2022. Nhưng đến ngày 8/10 vừa qua, ngôi vị của anh đã thuộc về đàn em đồng hương Kiptum. Trong ngày đi vào lịch sử với thông số 2 giờ 0 phút 35 giây tại Chicago Marathon 2023, chân chạy 23 tuổi người Kenya sử dụng nguyên mẫu giày thể thao mạ carbon mới nhất của Nike.
Trước đó hai tuần, Assefa lập kỷ lục marathon nữ với 2 giờ 11 phút 53 giây tại Berlin. Thành tích mới nhất của chân chạy Ethiopia cũng tốt hơn đáng kể so với hai kỷ lục thế giới trước đó, lần lượt là 2 giờ 14 phút 4 giây của VĐV Kenya Brigid Kosgei tại Chicago Marathon 2019 và 2 giờ 15 phút 25 giây của VĐV Anh Paula Radcliffe tại London Marathon 2003.
Assefa tạo cột mốc mới dành cho nữ khi dùng "siêu giày" mới nhất của Adidas - đôi Adizero Adios Pro Evo 1 siêu nhẹ, trị giá gần 500 USD, được nhãn hàng khuyến cáo sử dụng tối ưu chỉ trong một cuộc chạy marathon. Bất chấp giá cả và thắc mắc về độ bền, "siêu giày" mới của Adidas này bán hết trong vòng vài giờ sau khi chính thức tung ra thị trường, phần lớn nhờ thành tích của Assefa.
Gần như chắc chắn sẽ có cơn sốt tương tự khi Nike chính thức phát hành đôi "siêu giày" mới nhất được sử dụng ở Chicago 2023 bởi Kiptum và cả Sifan Hassan - chân chạy Hà Lan vô địch với 2 giờ 13 phút 44 giây - phá kỷ lục giải và đạt thành tích marathon nữ tốt thứ hai trong lịch sử.
"Cuộc đua trở thành chân chạy marathon nam và nữ nhanh nhất hành tinh kéo theo cuộc chiến của những đôi siêu giày giữa Nike và Adidas. Bằng những cải tiến mạnh mẽ trong khâu nghiên cứu - triển khai, rồi ứng dụng thử nghiệm với các ngôi sao sáng giá nhất, hai người khổng lồ trong lĩnh vực dụng cụ thể thao này đang đẩy cuộc chiến 'siêu giày' lên đến đỉnh điểm với những kỷ lục thế giới của Assefa rồi Kiptum liên tiếp trong hai tuần", hãng tin Tây Ban Nha EFE bình luận.
Hãng tin này còn ví von những "siêu giày" giờ quý như kim cương, sau các chiến thắng của Kiptum và Assefa. "Giá niêm yết của những đôi siêu giày này khoảng hơn 500 USD, nhưng khi đưa ra bán lẻ, vì khan hàng, giá của chúng được đẩy lên tới trên 2000 USD. Đó đều là những kiệt tác mà mọi chân chạy đều khát khao được dụng", EFE viết.
Carlos Mayo là VĐV Tây Ban Nha đầu tiên được dùng thử Adizero Adios Pro Evo 1, khi dự Valencia Half Marathon ngày 22/10 tới, rồi sau đó lần đầu thi 42,195km tại Valencia Marathon ngày 3/12. Nhưng anh sẽ chỉ được dùng nó trong hai cuộc đua kể trên và một số buổi chạy làm quen. Nhà cung cấp tại Tây Ban Nha không có nhiều mẫu giày này để cho các VĐV dùng thử rộng rãi.
"Còn hơn cả áp lực. Nhưng tôi vẫn thấy may mắn khi là VĐV Tây Ban Nha duy nhất được chạy thử siêu giày này. Cả thế giới điền kinh đang trông đợi nó, và rất nhiều đồng nghiệp đã hỏi tôi về siêu giày này", Mayo nói với EFE. Đôi giày anh chạy thử được đánh số 158 trong cả thảy 521 đôi được tung ra đợt đầu, trên toàn thế giới.
Đôi giày Kiptum và Hassan dùng tại Chicago Marathon 2023 được Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) phê duyệt để sử dụng thử nghiệm cho đến ngày 3/12/2023 với tên "NikeDev163". Dù đặc tính chính xác chưa được công bố rộng rãi, "siêu giày" mới nhất này đã được nhiều elite của Nike sử dụng vài tháng qua. Nó được giới điền kinh xem là phiên bản tiếp theo của đôi Air Zoom Alphafly NEXT% 2 mà Nike đang bán với giá 340 USD.
Runner nam cán đích thứ hai tại Chicago cuối tuần qua, Benson Kipruto chạy với "siêu giày" mới của Adidas mà Assefa sử dụng để lập kỷ lục thế giới dành cho nữ. Nhưng anh về đích chậm tới hơn ba phút so với Kiptum - đồng hương trở thành runner đầu tiên chạy marathon sub2:1 (dưới 2 giờ 1 phút).
Điểm chung nổi bật của những đôi "siêu giày" là một tấm hoặc thanh cứng được gắn bên trong lớp đế giữa, thường được làm từ một loại carbon nào đó để giúp giữ hình dạng của giày. Hình dạng đế giữa cong cũng được thiết kế để đẩy runner về phía trước, và tất cả nhà sản xuất đều sử dụng bọt năng lượng cao nhẹ nhưng đàn hồi, kết hợp với tấm hoặc thanh cứng, có thể tăng hiệu suất thi đấu.
"Adidas ưu tiên yếu tố nhẹ nhàng để tiết kiệm năng lượng, còn Nike thì cải tiến mẫu Alphafly bằng cách tăng một chút độ cong và cải tiến phần bọt. Nguyên mẫu mới của Nike có vẻ tiết kiệm hơn và giúp bạn tiến xa hơn với mỗi sải chân", Javi Moro - một biên tập viên phụ trách mảng vật liệu từ tạp chí Tây Ban Nha CORREDOR - nói với EFE. Theo chuyên gia này, thiết kế với độ cong sẽ tạo nên thay đổi lớn về giày, hơn cả những tấm carbon hay bọt xốp.
Kipchoge là VĐV đầu tiên chạy marathon sub2 khi đạt 1 giờ 59 phút 40 giây trong sự kiện Ineos 1:59 tại Vienna, Áo hồi tháng 10/2019, khi sử dụng nguyên mẫu Alphafly của Nike. Dù vậy, thành tích đó không được Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) công nhận kỷ lục vì runner sinh năm 1984 thi đấu với các điều kiện xung quanh đã được kiểm soát, như không có đối thủ và đội pacer luân phiên hỗ trợ.
Với nguyên mẫu giày thể thao mạ carbon mới nhất của Nike, Kipchoge vô địch Berlin 2023 với thành tích 2 giờ 2 phút 42 giây và lập kỷ lục năm lần vô địch Berlin, sau các năm 2015, 2017, 2018, 2022.
Nhưng cũng với "siêu giày" mới nhất này của Nike, Kiptum đã phá sâu kỷ lục của Kipchoge tới 34 giây. Theo The Telegraph, Kiptum được kỳ vọng sẽ trở thành VĐV đầu tiên đạt sub2 ở giải marathon chính thức và giành HC vàng Paris 2024, phá thế thống trị của chính Kipchoge sau Tokyo 2021 và Rio 2016.
Cuộc chiến "siêu giày" bắt nguồn từ năm 2013, khi Adidas tung ra mẫu Boost rồi Nike đáp trả bằng những mẫu mới, rồi vượt hẳn lên bằng những chiến thắng ấn tượng của Kipchoge.
"Đây chỉ là sự khởi đầu", Adidas tuyên bố sau khi mở bán Adizero Adios Pro Evo 1 và gây ấn tượng mạnh với kỷ lục của Assefa. Trong khi đó, Nike - hãng thường tung các sản phẩm mới trong các năm tổ chức Olympic - giữ bí mật phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển cho tới năm 2024.
Hồng Duy