Sveta không nghi ngờ gì về lý do thành phố Mykolaiv, miền nam Ukraine, một trung tâm đóng tàu, nơi sinh sống của nửa triệu người, lại không có nước ngọt suốt nhiều tháng qua.
"Nga đang tìm cách bóp nghẹt chúng tôi", Sveta thở dài chán chường trong lúc xếp hàng chờ nhận nước được chở tới trên một chiếc xe sửa chữa đường tàu điện ở trung tâm thành phố.
Tình cảnh mất nước này là sự xác nhận cay đắng với Sveta và khoảng 220.000 cư dân khác vẫn bám trụ tại Mykolaiv rằng xung đột với Nga đang vượt khỏi chiến trường, lan sang các cơ sở hạ tầng dân sự.
Điện Kremlin hai tuần gần đây liên tục tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng, hạ tầng nước sạch của Ukraine. Các cuộc tấn công đã làm gián đoạn lưới điện trên khắp Ukraine, khiến hàng chục người thiệt mạng, đồng thời cắt đứt nguồn cung cấp nước ở nhiều nơi.
Nhưng vấn đề nguồn nước của Mykolaiv đã tồn tại từ lâu hơn thế. Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã đóng các cửa hút nước ngọt của thành phố ở tỉnh Kherson lân cận, sau khi kiểm soát khu vực này từ những ngày đầu của cuộc xung đột.
Hàng ngày, cư dân Mykolaiv vẫn phải mang thùng nhựa tới các điểm phân phối nước cho thành phố, nằm ở ngã ba sông Dnieper và sông Boh.
"Đây là cách chúng tôi sống", ông Yaroslav, 78 tuổi, công nhân đã nghỉ hưu tại xưởng đóng tàu Chernomorsk, than thở trong lúc xếp hàng sau bà Sveta. "Mỗi ngày chúng tôi sống mà không có bất kỳ niềm vui nào".
Peter Gleick, thành viên cấp cao tại Viện Thái Bình Dương, tổ chức tư vấn ở California thường theo dõi tác động của các cuộc xung đột đối với nguồn nước trên toàn thế giới, cho biết Nga đã biến nước thành "vũ khí" từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng hai.
"Nga từ lâu đã nhắm đến cơ sở hạ tầng cấp nước của Ukraine, từ các con đập cho đến hệ thống xử lý nước và nước thải", Gleick lưu ý, thêm rằng chỉ trong ba tháng đầu của cuộc xung đột, ông và các đồng nghiệp đã ghi nhận hơn 60 trường hợp nguồn cung cấp nước dân dụng tại Ukraine bị gián đoạn và các con đập bị tấn công.
Nga đã thừa nhận nhắm mục tiêu vào các nhà máy điện Ukraine, trong khi vẫn tuyên bố rằng họ sẽ cố gắng hết sức để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Theo dữ liệu của Viện Thái Bình Dương, Ukraine đôi khi cũng sử dụng nguồn nước làm "vũ khí" chống lại Nga. Họ từng cắt nguồn cung cấp nước cho Crimea sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.
Kiev không bắt buộc phải duy trì nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea, nhưng có thể nói rằng "đây là một việc nhân đạo nên làm", Gleick cho hay.
Quân đội Ukraine đã xả nước từ một con đập trên sông Dnieper để làm chậm đà tiến công của Nga vào thủ đô Kiev hồi tháng hai. Cư dân ở thành phố miền đông Donetsk, nơi các lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát từ năm 2014, cũng luôn trong tình trạng thiếu nước.
Dù vậy, theo Dydenko, cuộc khủng hoảng nước ở Mykolaiv là tồi tệ nhất.
"Vấn đề ở những nơi khác mang tính cục bộ và có thể giải quyết được", ông nói. "Chúng tôi là những người duy nhất gặp phải một thảm họa lớn như vậy".
Sau gần một tháng không có nước, giới chức Mykolaiv buộc phải bơm nước mặn chưa qua xử lý từ cửa sông Boh vào thành phố để khơi thông cống rãnh và cho phép người dân xả bồn cầu hay giặt giũ. Nhưng tệ hơn cả là nước mặn đang ăn mòn đường ống của thành phố.
Cuối cùng, Dydenko cho biết toàn bộ hệ thống nước của thành phố sẽ phải thay thế với chi phí rất lớn mà Mykolaiv hiện tại không thể đáp ứng khi mọi nguồn thu đều đang sụt giảm nhanh chóng.
"Đây là một thảm họa", ông nói, cáo buộc Nga từ chối yêu cầu ngừng bắn để phục vụ công tác kiểm tra các cửa hút nước ngọt cũng như tiến hành sửa chữa.
Nước đóng chai vẫn được bày bán tại cửa hàng, nhưng nhiều người dân đã trở nên quá nghèo vì xung đột nên không thể mua chúng. Họ thậm chí phải hứng cả những dòng nước ít ỏi rò rỉ ra từ đường ống trên đường phố.
"Đây là lần rò rỉ thứ 5 trong ba ngày", Vitalii Tymoshchuk, 45 tuổi, tổ trưởng tổ sửa chữa, nói khi đứng bên một chiếc hố to mà đội của ông đào để hàn một đường ống bị vỡ ở ngoại ô Mykolaiv.
Tymoshchuk cho biết ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vá các đoạn ống bị rò rỉ, bởi nước mặn không thể xử lý được.
"Nhiệm vụ của chúng tôi hiện tại là bảo tồn tất cả những thứ này và duy trì chúng qua mùa đông", ông nói. "Sẽ không dễ dàng và sẽ có nhiều vấn đề hơn phát sinh".
Vũ Hoàng (Theo Reuters)