Sức mạnh không quân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc nội chiến đẫm máu tại Libya giữa Chính phủ Quốc gia Lybia (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận và phe nổi dậy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy.
Địa hình sa mạc tương đối bằng phẳng ở khu vực phía bắc và vùng duyên hải quốc gia Bắc Phi này đồng nghĩa với việc các đơn vị bộ binh rất dễ bị phát hiện khi tác chiến và hầu như không có nơi ẩn nấp trong giao tranh. Đây là điều kiện lý tưởng để các đơn vị tác chiến trên không của cả hai phe phát huy sức mạnh của mình.
Cả GNA và LNA đều có lực lượng không quân riêng, nhưng chủ yếu được biên chế các tiêm kích cũ của Pháp và Liên Xô, vốn đã lạc hậu và được bảo trì kém. Bởi vậy, phần lớn các cuộc không kích tại Lybia đều do máy bay không người lái (UAV) thực hiện.
Với gần 1.000 cuộc không kích ở Libya do UAV thực hiện, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Libya Ghassan Salame đã gọi xung đột tại quốc gia này là "trận chiến UAV lớn nhất thế giới".
Trong chiến tranh hiện đại, UAV rất hữu dụng vì nhiều lý do. Chúng có kích thước nhỏ, thời gian hoạt động trên không lâu, được trang bị cảm biến hiện đại có thể phát hiện kẻ địch từ xa và cung cấp thông tin chiến trường quý giá cho sở chỉ huy.
Không chỉ theo dõi đối phương, nhiều UAV vũ trang hiện nay có thể lập tức tung đòn không kích và mục tiêu mà nó phát hiện, với tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều so với chiến đấu cơ có người lái. Trong trường hợp UAV bị bắn hạ, phi công điều khiển vẫn an toàn tại căn cứ cách đó hàng trăm km và có thể lập tức vận hành UAV khác cất cánh.
Kể từ khi nội chiến bùng phát ở Libya năm 2014, phe nổi dậy LNA do tướng Khalifa Haftar chỉ huy ban đầu chiếm nhiều lợi thế trên chiến trường nhờ sở hữu các UAV Dực Long do Trung Quốc sản xuất.
Được tung vào chiến trường lần đầu tiên trong chiến dịch tấn công Derna ở miền đông Lybia năm 2016, UAV Dực Long đã mang đến thay đổi đáng kể cho năng lực quân sự của LNA, giúp thay đổi kết cục trận đánh. Các lực lượng trung thành với Haftar đã nhanh chóng đánh bại các tay súng đối địch ở Derna.
Các UAV Dực Long này chủ yếu do phi công Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vận hành. Chúng cất cánh từ căn cứ không quân Al Khadim, phía đông Libya, có thể phóng tên lửa dẫn đường và ném bom nhằm vào bất cứ mục tiêu nào tại Libya nhờ bán kính chiến đấu tới 1.500 km.
Số UAV này đã được sử dụng rất hiệu quả trong chiến dịch tấn công Tripoli được tướng Haftar phát động hồi tháng 4/2019. Dưới các đòn không kích của UAV Dực Long và áp lực trên mặt đất, các lực lượng của GNA liên tục bị đẩy lùi và vây hãm.
Bất chấp LNA thông báo tiến hành các cuộc không kích "chính xác", số dân thường thương vong trong các cuộc tấn công vào mục tiêu tại Tripoli ngày càng tăng. Lực lượng GNA, vốn được Liên Hợp Quốc công nhận và nhận hỗ trợ từ Italy cùng Qartar, bị hoài nghi về khả năng cầm cự lâu hơn.
Tuy nhiên, cục diện chiến trường thay đổi vào tháng 12/2019, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận sẽ tăng hỗ trợ quân sự cho Thủ tướng Fayez al-Serraj cùng lực lượng GNA. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tung vào chiến trường Libya mẫu UAV vũ trang tự sản xuất có tên Bayraktar TB2.
UAV của Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ hơn và tầm bay ngắn hơn Dực Long, song đủ khả năng tấn công và tiêu diệt các lực lượng mặt đất của LNA, quấy rối các tuyến tiếp viện và không kích các căn cứ không quân từng được coi là an toàn. Với sự xuất hiện của Bayraktar TB2, bộ binh GNA giờ đây có thể nắm rõ vị trí của đối phương, đồng thời tung đòn phản công khi có hỏa lực yểm trợ trên không.
Tên lửa phòng không Hawk cùng một số hệ thống khác cũng được Thổ Nhĩ Kỳ chuyển cho GNA, đồng nghĩa với việc căn cứ không quân chính của lực lượng này tại sân bay Mitiga ở Tripoli có thể hoạt động mà không lo bị tấn công.
UAV mang lại hiệu quả ấn tượng khi GNA phát động chiến dịch phản công chớp nhoáng và chiếm được các thị trấn ven biển Surman, Sabratah và Al-Ajaylat cùng thị trấn biên giới Al-Assah. Phát huy lợi thế, GNA liên tục tấn công căn cứ không quân Al-Watiya, nơi lực lượng LNA sử dụng làm bàn đạp cho các chiến dịch tác chiến của họ.
GNA chiếm được căn cứ không quân Al-Watiya ngày 18/5, giáng đòn mạnh vào tham vọng của tướng Haftar ở phía tây Libya, bởi đây không chỉ là tổng hành dinh của LNA trong khu vực, mà còn là trung tâm cung ứng và hậu cần.
Các đơn vị LNA buộc phải rút lui, nhiều tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 do UAE cung cấp cho họ bị phá hủy, khiến lực lượng thoái lui không được bảo vệ trước những đợt không kích. Truyền thông đưa tin các thiết bị gây nhiễu của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây rối loạn cho radar của tổ hợp phòng không Pantsir S1, khiến chúng trở thành "mồi ngon" cho UAV Bayraktar.
Các chiến dịch phản công xa hơn về phía nam và phía đông Tripoli của GNA khiến gọng kìm bao vây của LNA lỏng dần, buộc tướng Haftar phải rút quân. Hàng trăm lính đánh thuê của công ty an ninh tư nhân Nga Wagner Group được cho là đã phải sơ tán khỏi sân bay Bani Walid.
Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ cho biết một số tiêm kích của Nga từ căn cứ Hmeymim ở Syria đã được triển khai tới cơ sở của LNA tại Jufra, miền trung Libya để củng cố lực lượng cho tướng Haftar và đồng minh. Số máy bay này gồm ít nhất 6 tiêm kích đa năng MiG-29 cùng hai cường kích Su-24 bay với đội hộ tống gồm ít nhất hai tiêm kích Su-35, nhằm gửi tín hiệu cho Thổ Nhĩ Kỳ và GNA rằng Nga sẽ không để tướng Haftar hứng chịu thất bại thêm nữa.
"Nga có khả năng kiểm soát các căn cứ của LNA trên bờ biển Libya và triển khai lâu dài các khí tài chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) tại đây, tạo ra mối đe dọa an ninh thực sự ở sườn nam châu Âu", đại tướng không quân Mỹ Jeffrey Harrigian cho biết.
Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ công bố các hình ảnh vệ tinh được cho là chụp "máy bay quân sự Nga" tại Libya. Tuy nhiên, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng Duma Quốc gia Andrey Krasov bác tin, gọi cáo buộc là "không đúng với thực tế" và khẳng định Nga "quan tâm đến việc kết thúc đổ máu tại Libya".
Bình luận viên Alex Gatopoulos của Al Jazeera cho rằng những gì đã diễn ra ở chiến trường Libya cho thấy trong xung đột quân sự hiện nay, UAV có thể nhanh chóng xoay chuyển cục diện chiến trường và mang lại những lợi thế tác chiến chưa từng thấy. Ngoài ra, nó còn có thể được sử dụng như một công cụ ngoại giao, vũ khí gây sức ép, hay chỉ dấu cảnh báo nguy cơ leo thang nếu các sự kiện không được kiểm soát như ở Libya.
Nguyễn Tiến (Theo Aljazeera, RT)