Ngồi trên sàn tàu cứu hộ Ocean Viking, người di cư 42 tuổi đến từ Cameroon ngửa mặt, giơ tay lên trời để mặc dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khô nẻ, lấm lem dầu mỡ. Đôi mắt anh đỏ hoe khi nghĩ tới 36 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển để chạy khỏi Libya, nơi anh từng ở suốt 5 năm trong hành trình di cư.
"Nếu bây giờ chết, tôi cũng không có gì hối tiếc. Bởi tôi đã thoát khỏi Libya. Nơi đó không khác gì địa ngục", Florent nói. Anh vừa thoát chết sau khi được tàu cứu hộ Ocean Viking giải cứu cùng 89 người khác trên một chiếc thuyền cao su ở Địa Trung Hải.
"Nếu cảnh sát biển Libya lên tàu bây giờ, tôi sẽ lập tức đập đầu vào tường, cắt cổ hoặc nhảy xuống biển. Tôi thà chết còn hơn quay lại Libya", Florent khẳng định và nở nụ cười. Nhưng giọng nói run rẩy của Florent đã hé lộ những nỗi đau và sự tuyệt vọng mà anh đã trải qua trong 5 năm ở quốc gia Bắc Phi này.
Phía sau Florent là Karim, một cậu bé 16 tuổi đến từ Bờ Biển Ngà. Giấc mơ trở thành một cầu thủ đã bóng ở châu Âu là lý do khiến Karim bỏ nhà đi năm 2016. Mặc chiếc của câu lạc bộ bóng đá Juventus, Karim cười tươi đứng xếp hàng đăng ký thông tin.
"Thấy chỗ này không", Karim nói và chỉ tay vào vai. "Đây là vết sẹo do một người Libya đâm tôi khi tôi đòi tiền lương cho công việc đã làm". Cậu tiếp tục chỉ tay vào vết sẹo trên chân phải và nói, "Còn đây là do bị bắn khi tôi tìm một công việc ở Tripoli. Nơi đó không có luật pháp và mọi người đều có súng, dao. Người da đen không có quyền gì khi ở đó, nhiều người còn bị đâm hoặc bị bắn".
Libya là cửa ngõ chính vào châu Âu của những người di cư châu Phi. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), Libya hiện có khoảng 40.000 người tị nạn và di cư.
Một báo cáo của LHQ năm 2018 cho biết người di cư có cuộc sống giống như "địa ngục trần gian" khi đặt chân đến Libya và sau đó mạo hiểm tính mạng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu. Họ chạy trốn đói nghèo, xung đột, chiến tranh ở quê nhà, dấn thân vào hành trình nguy hiểm với những hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn, dù không biết điều gì đang chờ họ trên đường đi hay ở Libya.
"Hành trình này thật đáng sợ, nguy hiểm và đầy khó khăn", Michael Farc, điều phối viên của tổ chức từ thiện Bác sĩ Không Biên giới (MSF) trên tàu Ocean Viking, nói. "Người di cư pphải đối mặt với những mạng lưới tội phạm và buôn người. Tống tiền, lạm dụng, bạo lực thể xác và tình dục, hay bắt giữ đòi tiền chuộc... là những mối đe dọa mà họ có thể gặp khi đến Libya".
Libya từng là quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ trước khi bị nhấn chìm trong bạo loạn, xung đột kéo dài sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.
Khoảng 4.500 người di cư đang bị nhốt trong các trung tâm tị nạn trên khắp Libya, và hàng nghìn người khác bị nhốt trong các "nhà tù" do các nhóm vũ trang quản lý. Tất cả đều trong tình trạng quá tải, mất vệ sinh, thiếu thức ăn, nước uống, và bạo lực tràn lan.
Các trung tâm giam giữ này cũng không phải là nơi an toàn khi Libya đang trải qua nội chiến đẫm máu. Đầu năm nay, một trung tâm tị nạn ở Tajoura, phía đông Tripoli, bị đánh bom, giết chết ít nhất 50 người di cư và khiến 130 người bị thương.
"Điều kiện ở các trung tâm này rất tệ", Alkaol, 17 tuổi, người di cư Gambia, cho biết. "Ở đây lúc có đồ ăn, lúc không. Nếu được cho một cái bánh mì, bạn chỉ được ăn một nửa và để dành một nửa, bởi bạn sẽ không biết bao giờ mới có đồ ăn tiếp. Nếu không có tiền, bạn chỉ có hai sự lựa chọn: trốn thoát khỏi đây hoặc chết. Nếu phát hiện người chạy trốn, họ có thể bắn vào chân hoặc thậm chí là đầu họ. Cách nào cũng đầy rủi ro".
Saou, người di cư đến từ Cộng hòa Trung Phi, mô tả thời gian sống trong các trung tâm tị nạn ở Libya là cuộc đấu tranh giữa sống và chết. Người này cho biết rất nhiều bạn của anh đã chết vì điều kiện khắc nghiệt ở đó.
"Hầu hết câu chuyện do những người được giải cứu kể lại đều liên quan tới bạo lực thể xác và bạo lực tình dục", Pablo Sanchez, bác sĩ của MSF, nói. "Chúng tôi đã chứng kiến nhiều người di cư bị thương do điện giật, do dao đâm, súng bắn hoặc bị đánh đập bằng các gậy cao su hoặc tuýp sắt".
Những người di cư thường phải đợi nhiều tuần hoặc nhiều tháng ở Libya trước khi lên những chiếc xuồng cao su mong manh vượt biển. Họ được nghe về số phận của những người đi trước, nhưng hoàn toàn mù mịt về hành trình có thể là cuối cùng của cuộc đời. Một số nói rằng họ sẽ vượt qua một con sông nhỏ, ánh sáng từ những giàn khoan dầu ngoài khơi, cách đó hơn 100 km, là đích đến của họ. Một số người khác nhắc lại các chuyến đi thành công của những người đi trước.
Mọi người đều sợ hãi và không biết điều gì đang chờ họ phía trước, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Kelly, một phụ nữ 32 tuổi đến từ Bờ Biển Ngà đang mang thai 8 tháng, hay Victoria, 19 tuổi đến từ Cameroon và cô con gái 3 tuổi, đều có chung một sự lựa chọn: rời đi hoặc chết.
"Khi bạn đã mất tất cả mọi thứ, bạn sẽ không sợ điều gì nữa", Saou cười nói. "Bạn không nhìn thấy sóng biển mà chỉ thấy một con thuyền. Đây là cơ hội cuối cùng để bạn có thể rời khỏi Libya và được tự do".
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)