Sáng 19/7, chị Lê Thị Thu, 39 tuổi, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa tay xách túi, tay dắt con trai ra Hà Nội truyền hóa chất đợt bốn. Thấy mẹ với anh bước ra cửa, bé Nhi, bốn tuổi chạy lại bám chân gọi "Mẹ!", rồi im bặt. Bố nó bảo: "Ở nhà với bố, mẹ đi chữa bệnh cho anh". Con bé thả tay, lẳng lặng theo vào.
Sau hơn 9 tháng nhận được tin con trai 12 tuổi ung thư máu, người phụ nữ đã học được cách chiến đấu, nhưng khó cầm lòng những phút chia tay. Hôm đó, anh Lê Đăng Hòa nghỉ một buổi phụ hồ ở nhà với con gái. "Nghỉ học vì dịch nên có anh, có mẹ, con bé còn có bạn chơi. Giờ mẹ với anh đi, bố mà cũng đi nốt, để nó lủi thủi, tôi không đành lòng", ông bố nói.
Chị Thu nhớ lại, bé Nhi lúc mới hơn một tuổi đã biết gọi bà, gọi mẹ. Gia cảnh khó khăn, chồng chị phải nhận trợ cấp khiếm khuyết, vẫn phải đi phụ hồ mỗi ngày nên con bé chẳng có ai trông, suốt ngày ở nhà xem TV. "Tôi cứ tấm tắc là con bé ngoan, ăn tốt, chẳng khóc, chẳng đòi cũng chẳng nghịch phá như thằng anh".
Đến gần ba tuổi, con bé bỗng nhiên thay đổi, không nói, không chơi với ai, hàng xóm bế lên là khóc. Chị đưa con đi khám, bác sĩ kết luận đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Hai vợ chồng đành gửi con trai 12 tuổi ở quê, bế con gái ra Hà Nội, người làm thuê, người phụ bán hàng, gom góp trả nợ ngân hàng tiền mua lại căn nhà ngói cũ và cho bé Nhi đi học chuyên biệt, học phí 160 nghìn đồng một ngày.
Những ngày bố mẹ và em ở Hà Nội, thằng bé Thuận ở quê lại kêu đau ngực, đau chân tay. Người thân gọi kể, nhưng chị Thu trấn an "đến tuổi dậy thì, xương khớp phát triển nên đau". Mãi đến khi con sốt li bì không khỏi, hai vợ chồng mới về nhà, đưa đến bệnh viện.
Hai mẹ con chị Thu đi tuyến huyện thì được chuyển lên tỉnh rồi ra bệnh viện Nhi trung ương ở Hà Nội. Nhận kết quả con trai ung thư máu, chị Thu không tin, dắt con sang viện Huyết học và truyền máu Trung ương chọc tủy xét nghiệm. Nghe thông báo của bác sĩ, mắt chị mờ đi, đầu óc tê dại, tay chẳng nhớ đưa lên gạt nước mắt.
Suốt một tuần đầu, cu Thuận đau không ăn được gì, chị cũng nhịn. Đêm xuống, trải tấm bìa các tông nằm dưới chân con, chị cố kiềm tiếng nấc. "Tôi ân hận lắm. Tôi cứ nghĩ vì túng thiếu mà bỏ bê con nên hai đứa mới sinh bệnh. Giá tôi không ra Hà Nội làm, có khi con tôi không mắc ung thư", người mẹ tự dày vò mình. Được bác sĩ giải thích, chị dần hiểu ra nguyên nhân không phải do mình, nhưng hai chữ "ung thư" vẫn đánh gục chị.
Chị Thu ốm vì kiệt sức, chỉ ngồi một chỗ khóc. Anh Hòa phải vừa chăm vợ, vừa chăm con. Bé Nhi ở quê với ông bà nội ngoại, thôi đến lớp chuyên biệt vì tiền dồn hết chữa trị cho anh.
"Lúc đó, tôi mới ý thức được là mình phải khỏe, phải kiên cường thì mới cứu con được, không thì khổ cả nhà", người phụ nữ nói. Người vợ bảo chồng về quê chăm bé Nhi, vừa phụ hồ để gom tiền chữa trị cho con.
Chị bắt đầu làm quen với những bữa cơm bệnh viện, đi khắp các khoa phòng để rành đường đi lại. Người mẹ bắt chuyện với những "hàng xóm mới". Chị nhận ra không chỉ mẹ con mình, rất nhiều người khác đang cũng đang tranh đấu với số phận.
Nhiều hôm đau nhức, cu Thuận ra ngoài hành lang đứng cả đêm, chị lấy ghế ra ngồi cạnh con đến sáng. Hai mẹ con mới được một xuất cơm từ thiện, chị mua thêm xuất khác ăn lấy sức. Tên thuốc chống nôn, bổ gan, lợi tiểu, chống nhiễm khuẩn... của con, chị thuộc lòng. "Đến viện, mẹ nào cũng sẽ thành chiến binh", chị nói.
Dạo gần đây, được em gái mua cho cái điện thoại để tiện liên lạc và giải khuây cho cu Thuận, chị Thu nhờ con dạy cách lên mạng. Người mẹ muốn tìm hiểu về tình trạng của các con để chăm sóc chúng tốt hơn.
Ông Vũ Đình Đông, Chủ tịch xã Xuân Hưng, Thọ Xuân cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Thu vô cùng khó khăn. "Anh Hòa sức khỏe yếu nhưng hai vợ chồng đều chăm chỉ, chịu khó. Họ vốn đã khó khăn, nay con đau yếu lại càng khổ hơn. Khi biết cu Thuận bị ung thư máu, chúng tôi đã hai lần kêu gọi ủng hộ gia đình, nhưng chỉ như muối bỏ biển", ông nói.
Tối qua, chị Thu gọi video về cho chồng con ở quê. Anh Hòa giục bé Nhi: "Gọi mẹ đi con!". Nó cất tiếng "Mẹ" không rõ rồi quay đi. Ở bên kia màn hình, chị Thu cố bắt chuyện để kéo con lại, nhưng con bé không phản ứng.
Cu Thuận thấy mẹ buồn, ngả đầu vào lòng động viên: "Hết năm nay con khỏi bệnh rồi, cả nhà mình không phải xa nhau nữa". Người mẹ gật đầu, nước mắt trào ra.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Phạm Nga