Ngày 8/8/2008, quân đội Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia với lý do bảo vệ hai khu vực đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia. Trong cuộc chiến với Gruzia kéo dài 5 ngày sau đó, quân đội Nga hứng chịu tổn thất nặng nề dù có lực lượng áp đảo đối phương, theo Euronews.
Xung đột Nga - Gruzia có nguồn gốc từ căng thẳng liên quan đến vùng lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia, hai khu vực muốn ly khai khỏi Gruzia để trở thành các nước cộng hòa độc lập dưới sự ủng hộ của Moskva, trong khi Tbisili luôn khẳng định đó là một phần lãnh thổ của mình.
Xung đột vũ trang kéo dài cho tới khi Nga, Gruzia và Nam Ossetia đạt thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1992, cho phép Nam Ossetia duy trì quyền tự trị dưới sự giám sát của ba lực lượng gìn giữ hòa bình trên lãnh thổ.
Tình hình khu vực này nóng trở lại khi Mikhail Saakashvili, một người có quan điểm thân phương Tây và muốn đòi lại Nam Ossetia, trở thành Tổng thống Gruzia vào năm 2004. Ý tưởng của ông bị bác bỏ bởi một cuộc trưng cầu dân ý sau đó hai năm tại Nam Ossetia.
Chiến tranh bùng nổ
Gruzia tỏ ra giận dữ khi Nga tăng cường quan hệ với Nam Ossetia vào tháng 4/2008, trong khi Moskva không hài lòng với tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO của Tbilisi. Lãnh đạo NATO trước đó cam kết sẽ đưa Gruzia tham gia khối và tái thảo luận vấn đề này trong cuộc họp tại Brussels vào tháng 7/2008.
Tới giữa năm 2008, cả hai bên đều cáo buộc đối phương tăng quy mô lực lượng quân sự xung quanh Nam Ossetia.
Các cuộc đấu súng giữa quân đội Gruzia và lực lượng tự vệ Nam Ossetia bắt đầu xảy ra từ ngày 1/8. Gruzia cho rằng phe ly khai tại Nam Ossetia vi phạm lệnh ngừng bắn khi nã pháo vào các ngôi làng xung quanh. Chính quyền Nam Ossetia phủ nhận cáo buộc kích động xung đột.
Chỉ một ngày sau, người dân Nam Ossetia bắt đầu sơ tán sang lãnh thổ Nga. Cùng thời gian đó, Moskva cảnh báo sẽ can thiệp nếu xung đột quân sự nổ ra tại khu vực này.
Ngày 7/8, Tổng thống Saakashvili thề khôi phục quyền kiểm soát của Tbilisi với Nam Ossetia và Abkhazia. Ngay trong đêm đó, Gruzia mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm bao vây và chiếm Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn năm 1992. Pháo binh Gruzia liên tục bắn phá Nam Ossetia, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng.
Tới 10h sáng 8/8, khoảng 1.500 lính bộ binh Gruzia đặt chân tới Tskhinvali dưới sự yểm trợ của thiết giáp, các đơn vị đặc nhiệm của Bộ Nội vụ Gruzia cũng chiếm các điểm cao quanh thành phố.
Nga cáo buộc quân đội Gruzia tấn công căn cứ gìn giữ hòa bình của Nga ở phía bắc Tskhinvali, khiến hai binh sĩ thiệt mạng và 5 người bị thương. Tbilisi tuyên bố lính giữ gìn hòa bình Nga đã chủ động nổ súng, buộc họ đáp trả.
Quân đội Gruzia kiểm soát được phần lớn Tskhinvali và các ngôi làng lân cận trong buổi chiều, nhưng họ không chặn được cầu Gupta và tuyến đường huyết mạch nối Tshkinvali với lãnh thổ Nga, cho phép Nga duy trì đường chuyển quân và tiếp vận tới khu vực này.
Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev mở phiên họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Liên bang, quyết định triển khai chiến dịch can thiệp quân sự nhằm bảo vệ Nam Ossetia và Abkhazia.
16h chiều 8/8, hai đơn vị thiết giáp hạng nặng thuộc biên chế Tập đoàn quân số 58 của Nga bắt đầu vượt hầm Roki để tới Nam Ossetia. Chỉ một tiếng sau, lực lượng này đã bao vây Tskhinvali và bắt đầu tấn công vị trí đóng quân của Gruzia. Không quân Nga cũng liên tục bắn phá các đơn vị bộ binh và pháo binh đối phương.
Chỉ một ngày sau, lực lượng Nga tại Tskhinvali đã áp đảo hoàn toàn quân đội Gruzia. Tbilisi cố gắng thực hiện ba đợt tấn công lớn để chiếm hoàn toàn thành phố này trong ngày 9/8, nhưng đều bị đánh bật và phải rút quân không lâu sau đó.
Trong những ngày tiếp theo, quân đội Nga liên tục đẩy lùi bộ binh Gruzia khỏi lãnh thổ Nam Ossetia, đồng thời tiến hành nhiều đòn không kích nhằm vào các cơ sở quân sự và công nghiệp quốc phòng của Tbilisi.
Sau 5 ngày giao tranh, Tổng thống Medvedev ra lệnh chấm dứt chiến dịch quân sự tại Nam Ossetia vào ngày 12/8, đồng thời thông qua kế hoạch hòa bình 6 điểm do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, khi đó là chủ tịch luân phiên của EU, làm trung gian.
Hứng chịu thiệt hại
Nga coi chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia là một thành công, khi ngăn cản được NATO mở rộng ảnh hưởng sang phía đông, bảo vệ lợi ích chiến lược ở khu vực phía tây và phía nam. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ hàng loạt yếu kém và lạc hậu về chiến thuật, khí tài của Nga, khiến họ hứng chịu thiệt hại nặng nề trước đối phương thua kém hơn.
Lính Nga chiến đấu ở Nam Ossetia với vũ khí và trang bị cá nhân cũ kỹ, các sĩ quan phải sử dụng điện thoại di động cá nhân để liên lạc và ra lệnh cho cấp dưới do mạng lưới thông tin quân sự liên tục hư hỏng hoặc bị Gruzia nghe trộm. Các chiến đấu cơ không có phương án liên lạc với lực lượng mặt đất, khiến hiệu quả tác chiến giảm rõ rệt, thậm chí nhiều lần bộ binh Nga đối mặt với cường kích Gruzia mà không có sự bảo vệ từ không quân.
Dù lực lượng phòng không Gruzia không mạnh, không quân Nga vẫn mất tới ba cường kích Su-25 và một oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 chỉ trong chưa đầy một tuần, điều rất khó chấp nhận trong chiến tranh hiện đại. Một số nguồn tin còn khẳng định Moskva bị thiệt hại thêm một cường kích Su-24M, một máy bay trinh sát Su-24MR và một cường kích Su-25BM trong 5 ngày tham chiến tại Gruzia.
Chỉ hai tháng sau cuộc chiến, Thủ tướng Nga Vladimir Putin bắt đầu tiến hành chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội đầy tham vọng với chi phí ước tính lên tới 700 tỷ USD. Mục tiêu của ông là biến quân đội Nga từ lực lượng cồng kềnh chuyên đối phó với chiến tranh tổng lực giữa các cường quốc thành đội quân tinh gọn, phù hợp hơn với các cuộc xung đột khu vực và cục bộ.
Dưới sự chỉ đạo của Putin, quân đội Nga đoạn tuyệt với mô hình được xây dựng từ năm 1870 để áp dụng cấu trúc lực lượng linh hoạt hơn, cho phép triển khai binh sĩ nhanh chóng mà không cần huy động binh lực quy mô lớn. Mạng lưới chỉ huy và kiểm soát chiến trường cũng được thay đổi nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng.
Từ năm 2009, Nga bắt đầu thực hiện các cuộc tập trận bất ngờ quy mô lớn, sau gần 20 năm gián đoạn vì thiếu kinh phí. Những cuộc hành quân, triển khai lực lượng cấp sư đoàn, quân khu được ra lệnh chóng vánh, không có kế hoạch từ trước đã giúp quân đội Nga tăng đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Thu nhập của quân nhân Nga được cải thiện đáng kể nhờ ngân sách quốc phòng liên tục tăng. Tới năm 2014, quân đội Nga đã trở thành lực lượng lớn mạnh hơn rất nhiều so với đội quân lạc hậu từng tham chiến ở Gruzia trước đó gần 6 năm.