Bỏ nhiều công sức để cứu con mà vẫn phải chứng kiến hai bé gái song sinh tử vong trong bụng, chị Thương chưa nguôi nỗi đau. Chị mang thai đôi, siêu âm ở tháng thứ ba thai kỳ, các bác sĩ cho biết thai nhi bất thường, một em bé lớn một em bé nhỏ dù là song thai cùng bánh nhau.
Kết quả kiểm tra độ mờ da gáy cho thấy cặp thai song sinh có độ mờ da gáy quá cao, nguy cơ bị bệnh Down. Siêu âm ở tháng thứ tư kết quả thai nhi bị truyền máu song thai cấp độ 1. “Tôi tiến hành rất nhiều xét nghiệm khác nhau, tốn gần chục triệu đồng trong 2 tháng, cuối cùng được bác sĩ tư vấn chọc ối. Đây là biện pháp cuối cùng kiểm tra bé bị bệnh Down vì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và rủi ro”, chị Thương nhớ lại.
Kết quả chọc ối cho thấy hai bé không bị bệnh Down, vợ chồng chị vui mừng không bước ra khỏi phòng nổi. Lúc đó chị mới để ý hơn đến tình trạng truyền máu song thai. Kết quả siêu âm thai ở tháng thứ năm tại bệnh viện vẫn là truyền máu song thai cấp độ 1, cần theo dõi và hẹn tái khám sau một tháng. Vừa vui mừng vì kết quả bệnh không tiến triển nhưng lại vừa hoang mang không yên tâm, chị Thương tìm đến nhà chị Thu Dung, người mẹ đã chạy đua với thời gian cứu sống hai con, để nhờ tư vấn.
Từ kinh nghiệm của chị Dung, ngay hôm sau chị Thương tìm đến một bác sĩ về chẩn đoán hình ảnh nổi tiếng tại TP HCM để siêu âm lại. Kết quả cho thấy truyền máu song thai đã ở cấp độ 3-4, phải tìm cách can thiệp ngay vì tình hình rất nguy cấp.
“Tôi không hiểu vì sao chỉ cách nhau một ngày mà kết quả siêu âm lại quá khác nhau như vậy”, chị Thương cho biết. Một mặt vợ chồng chị nhanh chóng làm passport để chuẩn bị ra nước ngoài điều trị. Mặt khác chị tìm cách liên hệ song song với cả bác sĩ ở Malaysia lẫn Thái Lan để gửi hồ sơ nhờ tư vấn ngay trong đêm hôm đó. Bác sĩ ở Malaysia phản hồi là tình trạng đã quá trễ, quá nguy hiểm nên không dám hứa trước điều gì, chỉ có bác sĩ tại Thái Lan nhận lời chữa trị. Chị sang Thái Lan ngày hôm sau, các bác sĩ lắc đầu vì tình hình đã quá nguy kịch, nếu may mắn chỉ cứu được một bé. Không may trong lúc mẹ nằm thở oxy chờ đợi ê kip mổ bắt con thì đôi song thai đã qua đời.
Hai bé đã mất, bác sĩ Thái Lan đề nghị vẫn mổ để lấy thai nhi ra khỏi bụng mẹ, song chị Thương từ chối vì không muốn để con nằm lại đất khách. Chị cắn răng chịu đau mang hai con trong bụng trở về Việt Nam để mổ lấy thai lưu. “Lúc đó chỉ còn một vé máy bay duy nhất, tôi phải một mình về nước trước. Hai đứa con đã chết trong bụng mẹ như muốn đòi ra, tử cung lên cơn gò liên tục, đau kinh khủng. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn không hiểu vì sao mình có sức chịu đựng để vượt qua đủ thứ trần ai đến như vậy”, chị Thương chia sẻ.
Có rất nhiều thai nhi gặp hội chứng truyền máu song thai không cứu kịp, như các con của chị Thương. Thông thường nguyên nhân do siêu âm chẩn đoán không chính xác, phát hiện chậm trễ và thiếu thiết bị kỹ thuật điều trị.
Bác sĩ Japaraj ở Bệnh viện Raja Permaisuri Bainun Jalan, Malaysia, đã điều trị thành công cho nhiều mẹ con thai phụ Việt Nam. Ông nhận xét, từ số lượng bệnh nhân đã liên hệ, ông nhận thấy số ca truyền máu song thai ở Việt Nam khá nhiều. Theo ông, Việt Nam cần phải nhanh chóng triển khai kỹ thuật điều trị này để cứu chữa bệnh nhân.
“Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là chi phí dịch vụ. Tôi đã đào tạo các bác sĩ Indonesia và sẵn sàng giúp đỡ nếu các bác sĩ Việt Nam mong muốn triển khai dịch vụ này”, bác sĩ Japaraj chia sẻ.
Truyền máu song thai là hội chứng khá hiếm gặp với tỷ lệ 1/10.000 song thai, dễ bị bỏ sót nếu thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Hội chứng này thường gặp trong song thai cùng trứng có sự phân chia trễ. Sự thông nối giữa mạch máu của hai thai nhi ở trong bánh nhau khiến máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại. Thai cho máu sẽ kém phát triển, thiếu ối, yếu ớt, teo tóp dần đi. Thai nhận máu do lượng máu quá nhiều sẽ phát triển nhanh dẫn đến suy tim, phù thai, đa ối, bàng quang căng to, đa niệu… Cả hai thai nhi đều có khả năng tử vong trong bụng mẹ rất lớn. |
Lê Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.