Trong công văn vừa gửi Thủ tướng, Jetstar Pacific cho hay sau khi bị hội đồng cạnh tranh tuyên phạt hơn 3 tỷ đồng vì sự cố nhiên liệu, Vinapco đã có những báo cáo lên các cơ quan Nhà nước với những thông tin không đúng sự thật, sai bản chất vấn đề. Việc Vinapco nói rằng, Jetstar Pacific bị cắt nhiên liệu bay là do hãng nợ tiền mua nhiên liệu cũng là không chính xác.
Gần 5.000 hành khách của Jetstar Pacific bị vạ lây trong sự cố nhiên liệu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Jetstar Pacific cho rằng việc Vinapco bắt các hãng hàng không phải ứng tiền trước khi nạp nhiên liệu là trái với thông lệ thế giới;p, bởi các hãng hàng không mua nhiên liệu tại sân bay nước ngoài không bao giờ phải ứng tiền trước. Chưa kể, trong tháng 4/2009, Vietnam Airlines (công ty mẹ của Vinapco) đã có chỉ thị bỏ cơ chế ứng trước tiền xăng dầu nhưng đến nay Vinapco vẫn chưa triển khai thực hiện.
Theo công văn của Jetstar Pacific, từ đầu năm 2008 đến nay, do biến động giá nhiên liệu và suy thoái kinh tế làm cho nhiều hãng hàng không trong nước lẫn thế giới lỗ nặng thì Vinapco với vị thế độc quyền của mình vẫn đạt được lợi nhuận cao, tăng 160% so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, với lượng nhiên liệu mua khá khiêm tốn trong tổng số nhiên liệu mà Vinapco bán ra thì Jetstar Pacific cũng như các hãng hàng không nhỏ khác sẽ không có khả năng uy hiếp đến hoạt động kinh doanh của Vinapco. "Mà trái lại, Vinapco có thể uy hiếp hoạt động của các hãng hàng không khi họ không có sự lựa chọn nào khác để mua nhiên liệu ngoài việc mua của Vinapco", công văn của Jetstar Pacific nhấn mạnh.
Trước đó, trong công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào ngày 18/5, Vinapco cho rằng Jetstar Pacific liên tiếp vi phạm các điều khoản thanh toán, để nợ tồn đọng kéo dài, uy hiếp đến hoạt động của Vinapco.
Còn trao đổi với báo giới, Giám đốc Vinapco - Trần Hữu Phúc thì khẳng định phán quyết của Hội đồng cạnh tranh liên quan đến khoản tiền nộp phạt 3 tỷ đồng chưa tính đến hoàn cảnh xảy ra việc ngừng cấp xăng cho Jetstar Pacific. Đó là vì Vinapco là một doanh nghiệp nhà nước, có nghĩa vụ phải bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước và lo đời sống cho 1.300 lao động.
Giới chuyên gia nhìn nhận đây không phải là lần đầu tiên tranh cãi giữa Vinapco và Jetstar Pacific liên quan đến nhiên liệu bay xảy ra. Trong bối cảnh Vinapco một mình một chợ kinh doanh xăng dầu hàng không thì những tranh chấp liên quan đến giá bán, nguồn cung ứng cũng sẽ xảy ra với các hãng hàng không khác chứ không riêng gì Jetstar Pacific.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng cãi vã giữa Vinapco và Jetstar Pacific thể hiện sự thiếu sót trong hợp đồng ký kết giữa các bên. Lẽ ra các tình huống tranh chấp phát sinh cần phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán để quy trách nhiệm cho các bên. Tiếc là hợp đồng thiếu chuẩn hóa quốc tế nên tranh cãi cứ xảy ra liên miên và sự việc lại tiếp tục được đẩy lên tới tận Chính phủ.
Tranh cãi hai bên xảy ra từ 1/4/2008. Do không đạt được thỏa thuận về giá, Vinapco đơn phương ngừng cung cấp xăng dầu cho các chuyến bay của Pacific Airlines, nay là Jetstar Pacific Airlines. Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đã tuyên phạt Vinapco 3 tỷ đồng.
Theo ông Phong, cãi vã giữa Vinapco và Jetstar Pacific nên coi là điển hình cuối cùng về chuyện doanh nghiệp làm khổ Thủ tướng, sau tranh chấp giữa các ông dầu khí, điện lực, viễn thông... "Lẽ ra những việc này chỉ cần một bên thứ ba, độc lập đứng ra giải quyết, chứ không nên đưa nhau lên tận Chính phủ, khi mà Thủ tướng đang phải căng đầu lo các vấn đề khác như khủng hoảng, lạm phát, an sinh xã hội...", ông Phong nhấn mạnh.
Kỳ Duyên