Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/12 thông báo sẽ tái tranh cử vào tháng 3/2024, sau khi các cựu chiến binh và binh sĩ tham dự lễ trao danh hiệu Anh hùng Nga tại Điện Kremlin đều bày tỏ mong muốn ông tiếp tục lãnh đạo nước Nga.
"Tất cả chúng tôi, từ quân nhân tới các bạn bè và người quen, đều yêu cầu ông ấy tái tranh cử tổng thống", trung tá Artem Zhoga, chỉ huy tiểu đoàn Sparta ở vùng Donetsk, nói với phóng viên sau sự kiện.
Nhiệm kỳ tổng thống hiện nay của ông Putin sẽ kết thúc vào ngày 7/5/2024. Nếu tái đắc cử năm sau, ông sẽ nắm quyền thêm 6 năm và giữ chức Tổng thống Nga đến hết năm 2030.
Tổng thống Putin lãnh đạo nước Nga từ năm 2000. Thời điểm đó, hiến pháp Nga không cho phép một người giữ chức tổng thống 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Sau hai nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên, ông Putin nhường lại vị trí tổng thống Nga cho ông Dmitry Medvedev và đảm nhận ghế thủ tướng. Trước thềm cuộc bầu cử năm 2012, ông Putin thúc đẩy sửa đổi hiến pháp Nga, loại bỏ các giới hạn để tăng nhiệm kỳ tổng thống lên 6 năm.
Năm 2021, khi đảm nhận nhiệm kỳ thứ tư, Tổng thống Putin ký đạo luật cho phép ông tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa. Trên lý thuyết, đạo luật này cho phép ông có thể nắm quyền tới năm 83 tuổi.
Lãnh đạo Nga vẫn nhận được ủng hộ mạnh mẽ sau gần 1/4 thế kỷ nắm quyền, ngay cả khi ông phát động chiến sự ở Ukraine vào đầu năm 2022 và chứng kiến cuộc nổi loạn bất thành của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hồi tháng 6.
Khoảng một giờ sau những bình luận của trung tá Zhoga, truyền hình nhà nước Nga phát sóng video về cuộc trò chuyện của sĩ quan này với Tổng thống Putin. Trong video, ông Zhoga khẳng định người dân Donbass, vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập năm ngoái ở miền đông Ukraine, ủng hộ ông Putin tái tranh cử.
"Ông là Tổng thống của chúng tôi. Chúng tôi cần ông và nước Nga cần ông", Zhoga nói.
Giới quan sát nhận định ông Putin gần như chắc chắn tái đắc cử trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm sau. Đây là sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt, vì nó là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi ông Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, phương Tây đã giáng nhiều đòn trừng phạt mạnh tay với Nga và ít nhất 300.000 người Nga đã được gọi nhập ngũ theo lệnh động viên một phần do Tổng thống ban hành. Ông Putin thậm chí bị Tòa Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt liên quan tới cáo buộc di chuyển trẻ em Ukraine.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Nga vẫn ổn định và Ukraine không đạt được bước đột phá quyết định trên chiến trường, người dân Nga vẫn tin tưởng ông. Cuộc thăm dò cho Trung tâm Levada ở Moskva công bố ngày 7/12 cho thấy 58% người Nga sẽ ủng hộ ông Putin trong cuộc bầu cử sắp tới. Tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng lên sau cuộc chiến ở Ukraine.
"Ông Putin chọn cuộc chiến này và ngược lại", Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập công ty phân tích chính trị Nga R. Politik, viết trên mạng xã hội Telegram.
Nhà phân tích ủng hộ Điện Kremlin Sergei Markov cho rằng việc Tổng thống lựa chọn thông báo tái tranh cử tại lễ trao danh hiệu Anh hùng Nga cho các binh sĩ là dấu hiệu cho thấy ông coi xung đột Ukraine là một trọng tâm trong chiến dịch chạy đua của mình.
"Tổng thống Putin sẽ được bầu với tư cách lãnh đạo quân sự của một quốc gia đang tham chiến. Điều đó có ý nghĩa rằng những chương trình nghị sự ngoài quân sự hoặc tập trung vào các vấn đề xã hội trong nước sẽ bị loại bỏ", Markov viết trên Telegram.
Ông Putin bước vào cuộc bầu cử năm tới ở vị thế tốt hơn so với một năm trước. Lực lượng của ông đã chuyển từ thế thủ sang tấn công gần như dọc toàn bộ chiến tuyến ở đông và nam Ukraine, vào thời điểm mà nền tảng hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine ngày càng trở nên lung lay. Cuộc xung đột Israel - Hamas cũng đã khiến dư luận phương Tây ngày càng ít chú ý vào vấn đề Ukraine.
Nền kinh tế Nga phần lớn đã thích nghi với lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách tăng cường giao thương với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông, cho phép ông Putin đảm bảo nguồn doanh thu của Moskva.
"Mức độ tự tin của ông ấy đang tăng vọt", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia ở Berlin, Đức, nói.
"Đây không phải cuộc bầu cử bình thường, mà chỉ là cuộc tái tranh cử của một lãnh đạo. Ông Putin về cơ bản chỉ phải cạnh tranh với chính mình", Nikolai Petrov, nhà phân tích của một tổ chức nghiên cứu ở Đức, nói.
Giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử nắm chắc phần thắng sắp tới sẽ giúp Tổng thống Nga củng cố di sản và quyền lực của ông. Tổng thống Putin, 71 tuổi, hiện là lãnh đạo Điện Kremlin tại vị lâu nhất kể từ thời Josef Stalin.
Philip Short, tác giả cuốn sách năm 2022 với tựa đề Putin, tin rằng lãnh đạo Nga từng muốn thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực trước năm 2024 để ông không phải tranh cử lần nữa, nhưng cuộc chiến ở Ukraine buộc ông ở lại.
Nhà phân tích Tatiana Stanovaya cho biết ông Putin tin rằng "khi bạn phụng sự quốc gia, bạn không thể rời khỏi vị trí trong tình huống khó khăn".
Thanh Tâm (Theo CBS News, Washington Post)