Theo Phó giáo sư Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, TP HCM trong trạng thái bình thường mới, hệ thống y tế phải chuẩn bị các biện pháp để sống an toàn và chủ động ứng phó với thực tế virus sẽ luôn tồn tại trong cộng đồng. Để giảm tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19, ngành y tế cần củng cố cơ sở khám chữa bệnh cấp xã, phường vốn rất thiếu thốn về nhân lực cũng như cơ sở vật chất.
"Các bệnh viện cần chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận và điều trị Covid-19 trong tương lai, tránh rơi vào tình cảnh bị động khi dịch bùng phát. Trong trường hợp virus lan rộng, thành lập các bệnh viện dã chiến có thể là giải pháp tạm thời nhưng không thể đảm bảo đủ điều kiện chữa trị cho bệnh nhân", ông Hà phân tích.
Ông đề xuất các cơ sở y tế cấp xã, phường và cả các bệnh viện tuyến quận, huyện phải được trang bị thêm thiết bị chống dịch, nhất là bổ sung máy thở, oxy. Luôn sẵn sàng kịch bản cũng như tăng cường đào tạo thực hành ngay từ thời điểm dịch chưa xảy ra.
Cùng quan điểm về chú trọng y tế tuyến cơ sở, Phó giáo sư Hồ Thanh Phong (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, khi dịch bệnh bùng phát, phần lớn bệnh nhân sẽ phải ở tuyến phường, xã hoặc quận, huyện để điều trị, nên cần trang bị những thiết bị tốt và đầy đủ. Theo đó, trung tâm cách ly bệnh nhân của quận, huyện cũng phải được cấp đủ thuốc, có đủ xe cấp cứu, đủ bình oxy, đủ máy tạo oxy, đủ máy thở dòng cao, đủ đồ bảo hộ, khẩu trang... Nếu phát hiện, điều trị và chăm sóc sớm, bệnh không trở nặng thì khả năng phục hồi sẽ cao, từ đó giảm đáng kể tử vong.
"Việc phân loại các tầng điều trị là hợp lý để phân bổ nguồn lực, trong đó tầng dưới cùng phải là tầng được đầu tư chỉnh chu, chú trọng nhiều đến sự quan tâm, hướng dẫn cho bệnh nhân cùng gia đình tự chăm sóc", ông Phong nói. Trong điều kiện vật chất các gia đình khó khăn không thể tự chăm sóc thì những khu cách ly phải được đầu tư chu đáo để đón bệnh nhân vào.
Ngành y tế cần đảm bảo đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh trong tương lai, đồng thời chủ động phòng ngừa, đảm bảo đủ nhân lực tiến hành truy vết, xét nghiệm đúng hướng, truy vết dập các ổ dịch, ngăn chủng mới xâm nhập. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tập huấn cho các điều dưỡng, y bác sĩ, từ đó tăng cường khả năng phòng chống dịch, hồi sức tích cực...
"Chính quyền cần có sự thay đổi và hỗ trợ nhiều hơn về chế độ, lương thưởng, cơ chế phân bổ công việc... để thu hút người học và tham gia vào các lĩnh vực này", ông Phong nêu quan điểm.
Cả hai chuyên gia đều cho rằng trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục tăng cường bao phủ vaccine để bảo vệ nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền... Bệnh nhân không diễn biến nặng hay tử vong giúp y tế có thêm thời gian tập trung cho ca nặng, bởi "chỉ có duy nhất vaccine là vũ khí hữu hiệu lâu dài để chống virus".
Ngoài ra, ngành y tế cần chú trọng phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình và Telemedicine (điều trị từ xa - viễn y). Thông qua Internet, bác sĩ và bệnh nhân có thể tương tác. Bác sĩ thăm khám, hướng dẫn bệnh nhân tập luyện hoặc tự đo lường các chỉ số sinh tồn thông qua các thiết bị được kết nối mạng, thông tin sẽ được tập hợp và bác sĩ sẽ hội chẩn để quyết định phác đồ điều trị, cho thuốc.
Theo phó giáo sư Phong, các bác sĩ giỏi cũng như bệnh viện tốt ở các nơi được nối kết thông qua hệ thống phần mềm trên nền điện toán đám mây, không chỉ tăng cường nguồn lực mà còn giúp tiết kiệm thời gian. Bệnh nhân khi mới nhiễm bệnh sẽ gọi đến tổng đài, được tổng đài viên tìm bác sĩ thích hợp. Trong qua trình thăm khám online, bác sĩ phân loại được bệnh nhân và nếu trở nặng sẽ được chuyển đến bệnh viện thích hợp nhanh chóng. "Đây sẽ là một nguồn lực đáng kể để góp phần đối phó dịch bệnh đặc biệt khi mọi sự tiếp xúc trực tiếp đều trở nên khó khăn, hạn chế", phó giáo sư Phong phân tích.
Tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế TP HCM những năm qua, ngày càng nhiều người dân được chăm sóc sức khỏe tốt từ tuyến dưới. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện quá tải, từ giữa tháng 8, thành phố lập 531 trạm y tế lưu động, 327 tổ phản ứng nhanh ở tất cả phường, xã. Mô hình này đã góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người dân, giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, từ đó giúp kiểm soát dịch bệnh tại TP HCM.
Tính đến tối 1/10, TP HCM ghi nhận hơn 390.000 ca Covid-19, trong đó trên 200.000 người đã được điều trị khỏi, hơn 14.000 người tử vong. Những ngày qua, số ca nhiễm hàng ngày, số nhập viện, số ca tử vong... tại thành phố giảm mạnh. Đặc biệt ngày 1/10 đánh dấu số ca tử vong tính theo ngày tại TP HCM lần đầu tiên giảm xuống 2 con số, kể từ khi dịch bùng phát.
Ngày 1/10 cũng là ngày đầu tiên TP HCM mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội.