Trong cuộc họp báo ngày 29/7, giới chức thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, xác nhận sự xuất hiện của biến chủng Delta trong đợt bùng phát hiện nay, nói thêm rằng ít nhất 4 tỉnh khác đã ghi nhận ca nhiễm liên quan đến cụm dịch từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh, một trong những sân bay bận rộn nhất Trung Quốc.
Đợt bùng phát bắt đầu sau khi 9 lao công tại sân bay nhận kết quả dương tính với nCoV vào ngày 20/7. Cụm dịch sau đó nhanh chóng lan rộng, nâng tổng số ca nhiễm liên quan lên gần 200, trở thành một trong những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ làn sóng lây nhiễm hồi mùa đông năm ngoái tại vùng đông bắc. Thủ đô Bắc Kinh hôm 29/7 cũng báo cáo ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau 6 tháng.
Biến chủng Delta đang phơi bày những hạn chế trong chiến lược loại bỏ hoàn toàn Covid-19 được áp dụng tại Trung Quốc, Australia, New Zealand hay Singapore. Virus vẫn trỗi dậy bất chấp những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, điển hình là ở Australia, nơi biến chủng Delta lọt qua hệ thống cách ly bắt buộc tại khách sạn và lợi dụng tỷ lệ tiêm chủng thấp của nước này để tấn công.
Đảo Đài Loan, sau nhiều tháng không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào hồi năm ngoái, gần đây đã rút lại chiến lược loại bỏ hoàn toàn Covid-19 sau một đợt bùng phát lớn, tuyên bố chuyển sang chiến lược sống chung với virus.
Dấu hiệu lo lắng của giới chức Trung Quốc dường như được thể hiện qua cuộc họp giữa các lãnh đạo và quan chức y tế tại tỉnh Giang Tô hôm 28/7 để thảo luận về dịch bệnh. Chính quyền nhận định đợt bùng phát lần này "nghiêm trọng" và cụm dịch Nam Kinh có thể ảnh hưởng "đến toàn bộ đất nước".
Giới chức kêu gọi thực hiện những biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ hơn, bao gồm "đóng cửa các cộng đồng và khu vực". Một số nơi tại Nam Kinh hiện được xác định là "nguy cơ cao", trong khi những khu vực khác được nâng lên mức "trung bình".
Chính quyền Nam Kinh đã đình chỉ toàn bộ chuyến bay cho đến giữa tháng 8, theo nguồn tin giấu tên của Global Times. Đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên cho hơn 9 triệu cư dân tại thành phố được triển khai từ hôm 21/7, đợt thứ hai được hoàn thành hồi cuối tuần và đợt thứ ba bắt đầu từ ngày 28/7.
Theo những biện pháp hạn chế mới, các địa điểm công cộng khép kín như rạp chiếu phim, phòng gym và quán bar đã ngừng hoạt động, số lượng người được phép tụ tập cũng giảm bớt. Chính quyền kêu gọi người dân hủy những sự kiện "không thiết yếu", đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát y tế, xét nghiệm cho những nhóm nguy cơ cao như tài xế và nhân viên bảo vệ.
Giới chức Nam Kinh còn thiết lập 6 địa điểm xét nghiệm tạm thời tại các trung tâm triển lãm và nhà ga. Các khu dân cư trong thành phố siết chặt quy tắc chống dịch bằng cách cấm dịch vụ giao hàng.
Những thành phố khác thuộc tỉnh Giang Tô cũng tăng cường biện pháp chống dịch, như việc Tô Châu lập 18 trạm kiểm soát trên các tuyến cao tốc vào thành phố để kiểm tra mã trạng thái sức khỏe của những người đến từ Nam Kinh, đồng thời đình chỉ hoạt động vận tải hành khách đường bộ giữa hai thành phố.
Bất chấp loạt hành động quyết liệt và nhanh chóng, virus dường như đã lan rộng bên ngoài địa phận tỉnh Giang Tô, với những ca nhiễm đến từ Nam Kinh xuất hiện tại các tỉnh An Huy, Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Quảng Đông.
Lo ngại còn gia tăng về nguy cơ bùng phát cụm dịch tiếp theo, liên quan đến một buổi biểu diễn với hơn 3.000 khán giả hôm 22/7 ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam. Ba ca nhiễm tại Liêu Ninh được cho là từng đến Nam Kinh trước khi xem buổi biểu diễn ở Trương Gia Giới.
Ngoài đặt ra thử thách với chiến lược loại bỏ hoàn toàn Covid-19, giới quan sát đánh giá đợt bùng phát này còn là phép thử tính hiệu quả của chương trình tiêm chủng đại trà tại Trung Quốc với hơn 1,5 tỷ liều đã được sử dụng, quy mô và tốc độ vượt trội so với phần còn lại của thế giới.
Nhiều ca nhiễm mới, bao gồm các công nhân ở sân bay Nam Kinh, đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, nhưng chỉ có 4 trường hợp trở nặng. Đây được cho là bằng chứng về khả năng tạo miễn dịch của các vaccine Trung Quốc, giúp tránh dẫn đến những ca nghiêm trọng và tử vong, dù không loại bỏ được nguy cơ nhiễm biến chủng.
Theo các nghiên cứu, tỷ lệ hiệu quả của các vaccine Trung Quốc trong việc ngăn những ca nhiễm nCoV có triệu chứng dao động từ 50-80%, thấp hơn mức hơn 90% của vaccine Pfizer và Moderna. Một số nước từng dựa vào vaccine Trung Quốc, như Thái Lan và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, quyết định tiêm nhắc lại cho một số người đã tiêm đầy đủ, nhằm tăng khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta.
Các đợt bùng phát từ đầu năm nay tại Trung Quốc không đáng kể so với những nơi khác trên thế giới, nhưng vẫn đủ áp lực để buộc giới chức nước này phải xem xét kỹ lưỡng về khả năng tăng liều tiêm trong chiến dịch tiêm chủng.
Công ty Sinovac, hãng sản xuất loại vaccine Covid-19 trụ cột cho chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc, hôm 28/7 cho biết liều vaccine thứ ba sẽ giúp tăng lượng kháng thể lên gấp 3-5 lần.
Hồi tháng 4, một nguồn tin giấu tên tiết lộ Trung Quốc còn dự định phê duyệt vaccine của Pfizer-BioNTech, có thể được sử dụng làm mũi tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine Trung Quốc.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg, CNN, Guardian)