Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nước này nhằm bằng mọi giá đạt mục tiêu tiêm chủng Covid-19 cho ít nhất 80% dân số vào cuối năm nay. "Tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, bắt đầu từ tiêm chủng", thông báo từ quận Định Nam, tỉnh Giang Tây có đoạn. Thông báo lưu ý thêm rằng những cư dân chưa tiêm phòng "về cơ bản" sẽ bị từ chối tiếp cận trường học, giao thông công cộng và cơ sở y tế cùng hàng loạt tiện nghi và dịch vụ khác, bắt đầu từ 26/7.
Theo Shao Yiming, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CCDC), do tỷ lệ bảo vệ của vaccine Trung Quốc không đạt 100% nên nếu muốn xây dựng miễn dịch cộng đồng, họ cần tiêm chủng đầy đủ cho 80 - 85% dân số, tương đương khoảng một tỷ trên 1,4 tỷ dân.
Khi Trung Quốc phần lớn đã ngăn chặn được đà lây lan của virus, rất nhiều người dân hiện cảm thấy không cần thiết phải tiêm phòng. Các vụ bê bối liên quan đến vaccine nội địa trong quá khứ cũng góp phần làm gia tăng tâm lý lưỡng lự. Tuy nhiên, một số đợt bùng phát gần đây, như ở tỉnh An Huy, Liêu Ninh hay Quảng Đông, đã làm dấy lên lo ngại mới, khiến dân chúng đổ xô đi tiêm ở những vùng bị ảnh hưởng.
Trên cả nước, tỷ lệ tiêm chủng đang tăng nhanh, với trung bình hơn 10 triệu mũi vaccine được tiêm mỗi ngày. Tính đến 14/7, chính phủ Trung Quốc đã tiêm tổng cộng 1,4 tỷ liều vaccine Covid-19, song chưa rõ bao nhiêu phần trăm dân số đã tiêm đủ hai liều.
Trong nỗ lực toàn diện nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, các nhân viên chính phủ đã đích thân xuống từng khu dân cư thuyết phục người dân tiêm vaccine. Các điểm tiêm chủng cũng cung cấp nhiều phúc lợi, quà tặng nhằm lôi kéo người dân, như phát phiếu mua hàng giảm giá hay đồ tạp hóa miễn phí.
Nhưng chuyên gia cảnh báo việc tiếp cận một số bộ phận người dân sẽ trở nên đặc biệt khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, buộc chính quyền địa phương phải thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
"Tất cả những chiến lược họ sử dụng để lôi kéo người dân đi tiêm vaccine... có thể không hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo", Yanzhong Huang, thành viên cấp cao tại ban Y tế Toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Trung Quốc, nhận xét. "Bắt buộc tiêm chủng có lẽ là giải pháp khả thi duy nhất cho vấn đề".
Trong hai tuần đầu tháng 7, ít nhất 50 quận ở 12 tỉnh của Trung Quốc đã đưa ra thông báo áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng, thêm rằng "việc không tiêm vaccine sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống".
Đến nay, thông báo về các biện pháp mới đã được đăng ở Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Giang Tô, Giang Tây, Quảng Tây, An Huy, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Chiết Giang và Nội Mông.
Các chính sách mới cũng khác nhau ở từng nơi. Ở 33 quận, chính quyền cho biết hồ sơ tiêm chủng sẽ được kiểm tra khi người dân đến những cơ sở công cộng, như cơ quan hành chính hay cơ sở y tế. Nhưng tại 19 quận khác, chính quyền địa phương đã cảnh báo rõ ràng rằng trong vài tuần tới, những cư dân chưa tiêm vaccine có thể bị cấm đến một loạt địa điểm cũng như không thể tiếp cận hàng loạt dịch vụ.
"Bắt đầu từ 17/7, về nguyên tắc, người dân chưa tiêm chủng... không được phép đến những nơi trọng yếu như khoa nội trú bệnh viện, viện dưỡng lão, trường học, thư viện...", theo một thông báo của huyện Tỉnh Nghiên, tỉnh Tứ Xuyên.
Thông báo cũng cho biết sẽ có ngoại lệ với những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe chính đáng, thêm rằng các nhân viên siêu thị và chủ quầy hàng trong chợ sẽ không được phép đến làm việc nếu chưa tiêm vaccine.
Ở một số quận, các biện pháp thậm chí còn cực đoan hơn. Tại Quảng Tây, hai thành phố Quế Bình và Bắc Lưu tuyên bố học sinh sẽ không được phép đến trường nếu cha mẹ các em chưa tiêm phòng đầy đủ. Sau khi bị phản đối dữ dội trên mạng xã hội, thông báo trên đã bị xóa bỏ song không rõ nội dung của nó có còn được áp dụng hay không.
Tại quận Đường Hà, tỉnh Hà Nam, truyền thông đưa tin các cơ quan thuộc chính quyền địa phương sẽ ngừng trả lương cho nhân viên hoặc người lao động tại những doanh nghiệp nhà nước nếu họ từ chối tiêm phòng.
Tuy nhiên, viết trên báo China News Weekly, Shen Kui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhân quyền và Luật Nhân đạo tại Đại học Bắc Kinh, đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các biện pháp trên.
"Người không tiêm chủng phải đối diện với hàng loạt rào cản trong cuộc sống và công việc. Cách duy nhất giúp họ tránh những trở ngại này là tiêm vaccine. Đây rõ ràng là tiêm chủng bắt buộc", Shen nhấn mạnh.
Đến nay, chính quyền trung ương Trung Quốc vẫn chưa chính thức bắt buộc tiêm vaccine Covid-19. Jin Dongyan, giáo sư về y học chính xác tại Trường Khoa học Y sinh thuộc Đại học Hong Kong, nhận định những chính sách mới dường như là hệ quả của việc các chính quyền địa phương phải chịu áp lực quá lớn từ phía trên nhằm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng.
"Họ phải hoàn thành nó và sẽ dùng tất cả những biện pháp cần thiết cũng như mọi phương án có sẵn", Jin cho hay.
Nhưng Yanzhong Huang từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại lại đặt câu hỏi liệu các chính sách mới là một phần trong nỗ lực của giới chức địa phương nhằm thực hiện mục tiêu tiêm chủng hay nó chỉ là một cuộc thử nghiệm của chính quyền trung ương Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc lâu nay có truyền thống thử nghiệm các sáng kiến gây tranh cãi ở cấp địa phương trước khi áp dụng trên toàn quốc để xem người dân phản ứng như thế nào, Huang nói.
Theo ông, nếu Trung Quốc muốn đảm bảo đạt được miễn dịch cộng đồng, chính quyền có thể sẽ phải bắt buộc người dân tiêm vaccine dù nó có được đón nhận hay không.
"Đối với bất kỳ loại vaccine nào có tỷ lệ hiệu quả dưới 80%, bạn cần tiêm chủng cho toàn bộ dân số", ông nói. "Ta sẽ không thể đạt được điều đó nếu chỉ thuyết phục người dân tiêm vaccine".
Vũ Hoàng (theo CNN)