Ông Vi Kiến Thành sẽ về hưu từ ngày 1/12, người thay ông là Giám đốc Trung tâm điện ảnh thể thao và du lịch Đặng Trần Cường. Dịp sắp rời cương vị, ông Thành nhìn lại nhiệm kỳ bốn năm, nói về quan điểm, tâm tư với điện ảnh nước nhà.
- Ông dự định tiếp tục gắn bó với lĩnh vực thế nào sau khi nghỉ hưu?
- Tôi không hoạt động gì nữa mà trở lại vai trò vốn có của mình, một họa sĩ. 5 năm trong ngành, tôi có nhiều kỷ niệm, những điều làm được và chưa được. Khi nhận chức ở Cục, tôi đứng trước một số tồn đọng như vụ thất thoát 42 tỷ đồng năm 2011, việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, tác quyền phim Huyền thoại 1C, ồn ào sản xuất phim Ý chí độc lập. Tôi giải quyết được các tranh cãi về hai bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Còn việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam hay vấn đề liên quan tài chính, nằm ngoài thẩm quyền.
- Ông trăn trở điều gì trong thời gian làm Cục trưởng?
- Tôi muốn Hội đồng duyệt phim quốc gia cởi mở hơn nhưng không thay đổi được nhiều. Tôi hay nói với các thành viên: "Chỉ cần giữ hai nguyên tắc bất di bất dịch: Một là không đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hai là không được vi phạm chủ quyền biên giới, hải đảo. Những vấn đề khác, phải thông thoáng lên để hội nhập quốc tế, tránh tụt hậu". Tuy nhiên, Hội đồng vẫn vướng nhiều áp lực nặng nề mà tôi không tháo gỡ được.
Ngoài ra, điều tôi tiếc nuối nhất là không khơi gợi, xây dựng được không khí sáng tạo của điện ảnh phía Bắc. Tôi nói điều này, người trong giới sẽ tự ái. Nhưng giờ ở phía Bắc chỉ có thể làm phim truyền hình, tài liệu, còn phim truyện rất yếu. Hiện tượng này xuất phát từ ba nguyên nhân: Thứ nhất là thiếu nhà đầu tư, tức là thiếu tiền. Thứ hai là thiếu kịch bản hay, phù hợp xu hướng phát triển hiện tại. Cuối cùng là thiếu đạo diễn giỏi. Nhiều đạo diễn có tên tuổi, danh hiệu, nhưng họ làm phim theo tư duy của những năm 1990 trở về trước. Chúng ta không có lực lượng kế cận. Nếu xuất hiện người giỏi, nhanh nhạy, họ lại Nam tiến. Còn lại, đội ngũ diễn viên, quay phim, hậu kỳ, tài năng không kém phía Nam.
- Ông nghĩ người làm phim nên đặt yếu tố nghệ thuật hay đại chúng lên trước?
- Tôi cho rằng không nên có suy nghĩ kiểu: "Chúng tôi làm phim vì mục đích lớn lao, hay chúng tôi là những nhà làm phim độc lập, tác phẩm của chúng tôi mới là nghệ thuật". Rồi từ suy nghĩ đó lại đánh giá thấp các dòng phim khác. Chúng ta nên bình đẳng, công bằng, không có sự phân biệt. Phim thị trường hay phim thương mại đều cần có yếu tố nghệ thuật mới thu hút khán giả. Người xem ngày nay rất tinh tế, không hề dễ dãi.
- Nhiều phim điện ảnh phía Nam thắng lợi với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, theo ông vì sao?
- Kịch bản, đạo diễn là những yếu tố quyết định. Tôi được biết nhiều êkíp không còn viết kịch bản theo cách truyền thống. Họ có một nhóm cùng sáng tạo, phân chia người phụ trách đoạn này, người đảm nhận đoạn khác, theo thế mạnh từng cá nhân, bổ sung cho nhau. Đó là phương pháp phù hợp, được nhiều êkíp thế giới áp dụng.
Về đội ngũ đạo diễn, tôi đánh giá cao nhiều cái tên như Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng. Hay gần đây nổi lên Trấn Thành, cũng là một đạo diễn hay. Họ đều đang ở độ tuổi sung sức. Vì thế, khán giả có quyền hy vọng vào lực lượng này.
- Đầu năm, Đào, phở và piano tạo nên "cơn sốt" săn vé chưa từng có với dòng phim do Nhà nước sản xuất. Ông nghĩ đâu là nguyên nhân của hiện tượng?
- Với các sản phẩm này, Cục Điện ảnh chỉ được cấp 100 triệu đồng để tổ chức buổi công chiếu, ra mắt báo chí, không có kinh phí tuyên truyền, quảng bá thêm. Lý do bởi nhiều năm nay, phim từ ngân sách Nhà nước chỉ dùng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, dự liên hoan, chiếu miễn phí ở các địa phương. Các đơn vị liên quan không hề nghĩ đến việc kinh doanh. Trong khi cần đặt mục tiêu các phim này ít nhất phải hòa vốn, sau đó dần tính toán chuyện có lãi.
Năm ngoái, chúng tôi bắt đầu tính đến chuyện đo lường hiệu quả ăn khách của dòng phim này, thông qua Đào, phở và piano và Hồng Hà nữ sĩ. Quyết định phát thí điểm hai bộ ở Trung tâm chiếu phim quốc gia được ký bốn ngày trước khi ra rạp. Đào, phở và piano đạt hiệu ứng tốt hoàn toàn nhờ công của báo chí, giới truyền thông, khán giả. Hiện Nhà nước đang có một phim chất lượng tốt, đó là Bà già đi bụi. Tuy nhiên, tác phẩm chưa được giới thiệu do còn chờ quy định mới.
- Ông nghĩ đâu là giải pháp cho vấn đề phát hành phim sản xuất từ ngân sách Nhà nước?
- Lĩnh vực điện ảnh gồm sản xuất, phát hành, phổ biến. Trong đó, khâu phát hành rất quan trọng, nôm na là tiến hành buôn bán, trao đổi, phân bổ phim cho ai, thỏa thuận như thế nào. Trước đây, đó là nhiệm vụ của Fafim Việt Nam, nhưng sau khi đơn vị này giải thể thì bị hổng. Hiện Trung tâm chiếu phim Quốc gia có thêm chức năng mới, đó là phát hành phim Nhà nước đặt hàng.
Ngoài ra, sau chương trình thí điểm Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ, chúng tôi đã đề xuất, được các cấp cho phép xây dựng nghị định về việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách quốc gia. Tôi đã thực hiện được bước đầu, còn việc hoàn thiện nghị định phải để cho lãnh đạo kế cận.
- Theo ông, các sự kiện như Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội sắp tới góp phần thế nào trong việc thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh?
- Người làm nghệ thuật luôn có nhu cầu giao lưu, cọ xát, học hỏi. Với quy mô của làng điện ảnh chúng ta hiện nay, mỗi năm sản xuất khoảng 40 phim truyện, việc tổ chức ba liên hoan phim quốc tế là hợp lý. Mô hình này có thể duy trì trong khoảng 10 năm tới. Đây cũng là cơ hội để những người làm điện ảnh trong nước học tập, trao đổi kinh nghiệm.
- Ông nhận định điện ảnh Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ khu vực?
- Ở Đông Nam Á, tôi nghĩ chúng ta thuộc top đầu. Ở châu Á, chúng ta chỉ đứng sau các nền điện ảnh lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Điểm yếu của điện ảnh Việt là thiếu biên kịch tài năng, đạo diễn giỏi còn ít. Còn chuyện thiếu kinh phí, đó không phải vấn đề riêng của chúng ta. Các nhà làm phim nước nào cũng gặp khó khăn tài chính.
Ông Vi Kiến Thành 61 tuổi, quê Cao Bằng, là người dân tộc Nùng. Ông là họa sĩ tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, thạc sĩ Mỹ thuật Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2010-2020, ông giữ chức Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Từ tháng 2/2020 đến nay, ông làm Cục trưởng Điện ảnh.
Hà Thu