- Ông đánh giá thế nào về việc công trình tượng Phật nặng hàng trăm tấn đang xây dựng ở chùa Sóc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) bị đổ sập?
- Tượng đài được xây dựng khi không có phép, tồn tại đã là một khuyết điểm, giờ còn sập đổ nữa thì cần phải truy cứu trách nhiệm. Dù chi phí xây dựng do xã hội hoá nhưng tiền nào cũng từ dân mà ra. Ở đây, lỗi truy căn nguyên từ cấp xã đến huyện. Các đơn vị như Phòng Văn hoá, Xây dựng, UBND huyện... phải nắm được công trình nào sắp hoặc đang thi công trên địa bàn để kiểm tra, xem xét cho dừng nếu không có giấy phép.
Cục trưởng cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành. |
Hậu quả to lớn nhất của việc bức tượng Phật sụp đổ là tác động rất xấu đến mặt tình cảm, tâm linh của người dân. Họ gửi gắm tình cảm, tâm tư vào Phật giáo, tin theo thuyết giáo của nhà chùa mà bây giờ biểu tượng cho niềm tin ấy bị một số người làm không đúng quy định gây đổ sập thì ảnh hưởng về tinh thần là khó đo đếm nổi.
- Tượng đài nói chung muốn xây dựng phải theo quy trình như thế nào?
- Đầu tiên, lãnh đạo địa phương sau khi đồng ý xây dựng công trình, sẽ giao cho một chủ đầu tư thực hiện. Đơn vị này cần xây dựng một dự án thiết kế, chi phí, bộ máy vận hành... rồi trình lên các cấp. Công trình ở cấp nào sẽ do chủ tịch UBND cấp đó duyệt. Các phòng/sở Văn hoá, Xây dựng là đơn vị thụ lý hồ sơ, thẩm tra, tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình xây ở trung tâm hành chính lớn, khu di tích lịch sử văn hoá, trước khi UBND tỉnh cấp giấy phép còn phải xin ý kiến của Bộ Văn hoá.
Ngay từ phác thảo bước một đã phải có sa bàn, mô hình của không gian kiến trúc và mẫu tượng. Sau đó đến bước dựng mẫu xem hình thức, nghệ thuật, cấu trúc ra sao rồi phóng đất sét tỷ lệ 1:1. Từ bản 1:1 này, người ta sẽ tính kết cấu sắt thép, xây dựng thế nào cho đảm bảo bền vững rồi mới chọn chất liệu đá, đồng hay bê tông.
Mỗi bước đều có hội đồng thẩm định do UBND lập gồm các nhà điêu khắc, xây dựng, kiến trúc sư, hoạ sĩ…, nhằm đảm bảo an toàn và thẩm mỹ cho tượng đài. Công trình cấp quốc gia thì hội đồng cấp trung ương. Công trình địa phương thì thành viên hội đồng có thể là chuyên gia của địa phương đó. Để đảm bảo chất lượng công trình, địa phương có thể mời chuyên gia trung ương vào hội đồng và có trách nhiệm theo công trình từ lúc làm đề án đến sau khi nghiệm thu.
Tượng Phật ở Thái Bình hoàn toàn không thực hiện các quy trình trên, làm tuỳ tiện, tuỳ hứng, không tính toán kết cấu hay lập hội đồng chuyên gia thẩm định... nên mới dẫn đến hậu quả bị đổ sập như vậy.
- Qua thực tế kiểm tra, theo dõi, Cục Mỹ thuật đánh giá như thế nào về tình trạng tự ý xây dựng tượng đài và công trình tôn giáo ở các địa phương?
- Tượng Phật ở Thái Bình đổ, người ta mới biết nó chưa được cấp phép xây dựng. Thực trạng này hiện nay khá phổ biến, chủ yếu là các công trình tôn giáo.
Nhiều địa phương cho rằng tượng đài tôn giáo theo ngạch riêng, xây trong khuôn viên của chùa thì do nhà chùa thực hiện. Cục Mỹ thuật nhiều lần nhận được văn bản từ các địa phương, hỏi về việc tượng tôn giáo có chịu điều chỉnh của Nghị định 113? Chúng tôi xin khẳng định lại, đây là điều đương nhiên.
Nghị định 113 về hoạt động mỹ thuật quy định, tượng đài muốn xây dựng phải được UBND tỉnh/huyện cấp phép. Nghị định này cũng nêu rõ tượng đài là tượng được xây dựng ở ngoài trời, có phần đài, phần tượng, có quy mô, kích thước lớn, mang tính biểu tượng trong đó gồm cả tượng tôn giáo...
Một cái nhà xây lên với nhiều công năng khác nhau như bệnh viện, trường học… nhưng bản chất vẫn là cái nhà và phải tuân theo đúng Luật Xây dựng. Tượng đài cũng như thế.
Quỳnh Trang (thực hiện)