Ngày 3/6, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Thanh Hải, sinh năm 1977 - nguyên kế toán Cục điện ảnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, từ năm 2009 đến khi bị phát hiện, Phạm Thanh Hải đã làm nhiều bộ hồ sơ ủy nhiệm chi giả để rút khoảng 42 tỷ đồng từ tài khoản của Cục Điện ảnh Việt Nam nhằm chiếm hưởng cá nhân. Sau khi bị bại lộ, Phạm Thanh Hải đã ôm tiền bỏ trốn sang Canada.
Cục trưởng Cục điện ảnh Lại Văn Sinh (trái). Ảnh: ST. |
Vụ việc gây bức xúc cho nhiều người, đặc biệt là giới nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ đã cùng nhau ký tên vào đơn kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VH-TT-DL), đồng thời bày tỏ ý kiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng về trách nhiệm của ban lãnh đạo Cục điện ảnh. Trước sức ép từ dư luận, Cục trưởng Lại Văn Sinh và Cục phó Lê Ngọc Minh đã gửi đơn từ chức lên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Ông Tô Văn Động - chánh văn phòng Bộ - xác nhận với VnExpress.net, ông Lại Văn Sinh và Lê Ngọc Minh đã gửi đơn từ tuần trước, nhưng hiện tại, hai ông này vẫn nắm quyền điều hành Cục điện ảnh. "Không phải nộp đơn là cho từ chức ngay. Bộ đã thành lập đoàn thanh tra bắt đầu làm việc với Cục từ hôm nay (12/9) đến hết tuần. Đây là một vụ lừa đảo, vì vậy phải làm việc thận trọng để làm rõ trách nhiệm từng người đến đâu, từ đó mới có quyết định xử lý" - ông Động cho biết. Việc điều hành tổ chức Liên hoan phim VN lần 17 diễn ra vào tháng 12 tại Phú Yên đã được bàn giao cho Thứ trưởng VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái, ông Tô Văn Động và bà Ngô Phương Lan - hiện là Cục phó Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL).
Cũng theo ông Động, thông tin "sau liên hoan phim, phó ban tổ chức Ngô Phương Lan sẽ ở lại phụ trách công việc ở Cục Điện ảnh thay cục trưởng vừa từ chức" là không có cơ sở. Ông Động khẳng định, Bộ chưa có bàn thảo gì về nhân sự mới, việc lựa chọn người thay thế cần phải xem xét, cân nhắc kỹ vì điện ảnh là ngành quan trọng, có tính xã hội cao.
NSND Trần Phương (trái) và NSND Trà Giang. Ảnh: ST. |
Trước thông tin Cục trưởng, Cục phó Cục điện ảnh nộp đơn xin từ chức, NSND Trần Phương - người từng ký tên trong đơn kiến nghị cho biết, với ông đây hoàn toàn không phải là một tin vui. "Anh em nghệ sĩ làm đơn kiến nghị chỉ mong sự việc không chìm xuồng, Nhà nước sẽ vào cuộc thu hồi tiền trả lại Cục điện ảnh, chứ không nhằm mục đích thanh trừng lẫn nhau, mong ai đó phải từ chức. Hoàn toàn không có yêu ghét cá nhân nào ở đây, chỉ là chúng tôi quá khổ tâm khi nhìn điện ảnh VN ngày càng đi xuống" - NSND Trần Phương chia sẻ.
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam - tỏ ra không bất ngờ khi nghe tin này. "Đây là điều tất yếu, thấy mình cần làm việc gì thì nên làm. Chúng ta nên quen với văn hóa từ chức. Vinashin nợ gần trăm nghìn tỷ đồng chẳng ai từ chức, nên việc từ chức của Cục điện ảnh là đáng khen" - bà Ngát đánh giá. Điều bà lo lắng nhất là sau "vụ việc 42 tỷ", kinh phí rót cho ngành điện ảnh sẽ bị hạn chế vì ngành đã làm mất niềm tin ở cấp trên. Điều này khiến điện ảnh Việt Nam vốn eo hẹp nay càng khó khăn hơn. Về nhân sự mới thay thế ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh, bà Ngát cho rằng, người tài trong thiên hạ không thiếu, chọn đúng người mới là quan trọng.
Trong việc xét Giải thưởng Nhà nước năm nay, vụ lùm xùm ở Cục Điện ảnh được cho là không ảnh hưởng đến cơ hội ông Lê Ngọc Minh được xét giải ở tư cách biên kịch. "Trong luật và thông tư quy định, người vi phạm pháp luật, bị tước quyền công dân sẽ không được xét Giải thưởng Nhà nước. Ông Minh vẫn đang trong quá trình xem xét, cân nhắc trách nhiệm liên quan, nếu không bị truy tố thì không bị loại hồ sơ. Những đóng góp của ông Minh dưới góc độ biên kịch vẫn nên được suy tôn. Nên nhìn nhận sự việc ở góc độ nhân văn" - ông Tô Văn Động phân tích.
Ngọc Trần