Trả lời báo chí sáng 12/1, ông Nguyễn Tô An nói các sai phạm có gốc rễ từ xa xưa, người dân khi đi đăng kiểm muốn phương tiện nhanh chóng đạt tiêu chuẩn để tiếp tục lưu hành, thậm chí có lỗi thì chi tiền bồi dưỡng, làm hư đăng kiểm viên. Một số đăng kiểm viên không có bản lĩnh, không chiến thắng được lòng tham. "Chúng tôi cảm ơn công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm của các trung tâm, ai vi phạm người đó phải chịu trách nhiệm", ông An nói.
Ông An đánh giá các sai phạm được phát hiện như cơn bão, sóng thần xóa đi công sức hàng chục năm mà nhiều cán bộ đăng kiểm đã xây dựng. Hiện nhiều đăng kiểm viên làm việc trong khối tư nhân hay nhà nước đều có tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất công việc.
Hiện chưa bao giờ người dân phải xếp hàng kiểm định từ đêm, mất quá nhiều công sức và thời gian. "Anh em phải gồng người lên làm việc thêm giờ thêm ca, không quản ngày nghỉ. Chúng tôi đã động viên tinh thần anh em, cố gắng phục vụ người dân tốt nhất có thể", ông Tô An nói.
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ khẩn trương miễn kiểm định lần đầu cho phương tiện lắp ráp, nhập khẩu mới; nghiên cứu tham mưu sửa đổi Nghị định 139/2018 về hoạt động của trung tâm đăng kiểm. Khi xây dựng Nghị định 139, cơ quan này không lường trước trình độ của người đứng đầu đơn vị đăng kiểm. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, sản phẩm đầu ra liên quan an toàn, nên những người tham gia lĩnh vực này cần có hiểu biết về lĩnh vực mình làm, tránh tình trạng không biết chữ.
Cục cũng xây dựng phần mềm về hoạt động đăng kiểm tại các đơn vị, để người dân không mất thời gian xếp hàng, có thể nhận kết quả, nộp lệ phí trực tuyến.
Đề cập về tình trạng quá tải gây ùn tắc ở nhiều trung tâm đăng kiểm, ông Nguyễn Tô An giải thích do chu kỳ kiểm định cuối năm thường lớn nhất năm, phương tiện mới tăng nhiều vào cuối năm, cộng với các trung tâm bị tạm dừng hoạt động. TP HCM có 17 trung tâm đăng kiểm, 2 chi nhánh, thì 10 đơn vị và một chi nhánh đã bị tạm dừng. Hà Nội có 30 trung tâm thì 11 đơn vị đóng cửa, Hòa Bình chỉ có một trung tâm cũng đã dừng hoạt động.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng sai phạm của các trung tâm đã đóng cửa là do con người, cơ sở vật chất không vi phạm nên đã kiến nghị tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị này và điều chuyển đăng kiểm viên đến làm việc. Thời gian qua, Cục đã điều động 8 người đến một trung tâm ở TP HCM vì nhiều đăng kiểm viên nghỉ phép. Hiện Cục đã lên danh sách gần 200 nhân sự để bổ sung cho các trung tâm đăng kiểm.
Ngoài ra, Cục đã khuyến cáo người dân đưa đi bảo dưỡng trước khi đi đăng kiểm để tránh phát hiện hư hỏng, phải quay lại sửa chữa. Có trường hợp quay lại kiểm định 2-3 lần vào mới đạt tiêu chuẩn, gây áp lực cho đơn vị thực hiện. Chủ xe cũng có thể đưa phương tiện đến các tỉnh xa trên đường về quê, đi chơi để giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm tại thành phố lớn.
Với một số tình huống gây bất tiện cho người dân như khi xe đang kiểm định mà trung tâm đăng kiểm bị công an phong tỏa, ông An cho biết đơn vị đăng kiểm hoặc phía công an sẽ trả lại giấy tờ xe, chủ xe cần đến đơn vị khác đăng kiểm lại.
Một tháng qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Riêng Công an TP HCM đã khám xét 13 trung tâm, khởi tố 6 vụ án với hơn 50 bị can. Ở Hà Nội, công an cũng đã điều tra tại 10 đơn vị.
Cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa, 64 đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Các địa phương có số trung tâm lớn là Hà Nội 31, TP HCM 19, Bình Dương 11, Thanh Hóa 9, Nghệ An 9.
Sự bùng phát các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa gây nhiều hệ lụy như cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm để thu hút khách hàng. Một số đơn vị đã làm sai quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật.